Để tránh trùng lặp hoặc đào mộ những topic hỏi phần cứng xưa cũ nhưng rời rạc, mình xin lập topic này để tập trung những câu hỏi liên quan tới máy tính, phần cứng như:
- Mua máy tính như thế nào để học lập trình Mobile, Game, Web, v.v
- Với số tiền $$$ thì em nên chọn máy tính nào để phục vụ học tập.
- Máy tính với cấu hình ABC có đủ nhu cầu học tập không.
- Tư vấn laptop theo nhu cầu khác.
- Macbook cũ 2012 có học lập trình được không?
- V.v
Mọi người nếu có thắc mắc về phần cứng thì xin hãy vào topic này. Và mình cũng mong những bạn nào có kiến thức về phần cứng thì cũng xin đóng góp chút thời gian và công sức để giúp đỡ những bạn khác.
Một điều nữa là đây là một wiki post. Tức các bạn có Trust Level 3 sẽ được quyền chỉnh sửa topic này thoải mái. Để chỉnh sửa các bạn dùng 2 nút ở hình dưới:
Hoặc:
Thông tin cần khi đặt câu hỏi tư vấn chọn mua laptop
Mọi người đặt câu hỏi thì nhớ thêm 3 thông tin sau vào. Càng chi tiết càng tốt để mọi người giúp dễ hơn:
- Số tiền bạn sử dụng để mua laptop.
- Mục đích, nhu cầu sử dụng laptop (nên kể tên các phần mềm dự định sử dụng)
- Ngành học.
Ví dụ :
- Kinh phí : 25-30 triệu.
- Nhu cầu : lập trình, design (cần chạy tốt Photoshop, illustrator, Visual Studio, Android Studio)
- Ngành học : Khoa học máy tính.
Sau đây là kiến thức chung mà mình nghĩ sẽ hữu ích khi lựa chọn laptop:
CPU
- Lập trình web, ứng dụng thông thường: Intel-U/G Series, AMD-U/M Series. Vì đây là những dòng có hiệu năng được tinh giảm để tăng thời lượng pin và tuổi thọ (do lượng nhiệt tỏa ra ít hơn) cũng như giảm giá thành. Nên nếu bạn không có quá nhiều nhu cầu về game, đồ họa nặng thì chọn những con chip dòng U/G của Intel hoặc U/M sẽ là lựa chọn phù hợp túi tiền, xài lâu dài mà vẫn không bị ảnh hưởng quá nhiều hiệu năng.
- Lập trình Game, Đồ họa nhưng không quá nặng: Bạn có thể chọn dòng CPU chung với lập trình web ở trên và thêm một card đồ họa vào là đủ cân chỉnh sửa hình, vài game AAA rồi. Tuy nhiên nhớ chọn card đồ họa vừa sức với dòng CPU để tránh bị bottleneck giữa GPU và CPU. Mình thì không rành GPU nên nhờ mọi người giúp đỡ phần này.
- Lập trình mobile, đòi hỏi giả lập nhiều: Bạn nên chọn CPU mạnh, nhiều core như Intel-H/HK/HQ Series, AMD H/HS Series. Vì giả lập không quá đòi hỏi GPU, nên các bạn có thể cân nhắc loại bỏ GPU để tiết kiệm thêm tiền.
- Đồ họa nặng hoặc tác vụ nặng (Video Render, Training ML/AI): Khi này bạn cần kết hợp cả CPU lẫn GPU. CPU thì bạn có thể tham khảo phần lập trình Mobile. Còn GPU thì chờ người tư vấn…
RAM
- Loại RAM: DDR3 đã cũ, không nên xài, hiện tại nên xài ram DDR4 trở lên.
- Xử lý nhẹ (Lập trình cơ bản, project nhẹ, web đơn giản, màn hình nền đen chữ trắng aka CLI,…): Tối thiểu là 2GB RAM nhưng nên tránh mức này và chọn ít nhất là 4GB. Phù hợp với những bạn không có hầu bao cỡ khoảng 15 triệu trở lên mà vẫn thích mua máy mới, nhưng để có trải nghiệm mượt mà, phù hợp với nhu cầu sau này khi đi làm, làm project cỡ trung bình trở lên thì nên chọn 8GB RAM. Giá RAM giờ đã khả rẻ, không đắt như hồi xưa.
- Xử lý thông thường (Web, ứng dụng thường, chạy vài cái máy ảo nhè nhẹ): Tối thiểu 8GB. Đây cũng là mức phổ biến nhất, phù hợp với nhiều nhu cầu nhất.
- Xử lý tác vụ nặng như chạy giả lập nặng, nhiều, đồ họa,…: Tối thiếu 16GB.
Ổ cứng
- Nếu bạn cần xử lý file nặng và nhanh: Chọn laptop có SSD với dung lượng cao. Các bạn nên chọn ổ 512GB nếu xài 1 ổ SSD. Còn không bạn có thể làm 1 ổ cài windows 128GB và ổ còn lại 256GB cho dữ liệu.
- Nếu bạn chỉ cần mở hệ điều hành nhanh và mở các chương trình nhanh: ổ SSD (~128GB) cho Windows/Linux, HDD (~512TB) cho việc lưu trữ data.
- Nếu bạn muốn tiết kiệm và chấp nhận hy sinh tốc độ: Chọn laptop chỉ có ổ HDD mà không cần SSD. Vì nhiều máy laptop có đi kèm ổ SSD dung lượng rất thấp (128GB) thì như vậy sẽ rất khó chịu trong việc lưu trữ.
- Web, đồ họa nhẹ nhàng, game, tác vụ bình thường: SSD 128GB cho OS + 1TB HDD mình nghĩ là hợp lý.
- Làm việc đồ họa, tác vụ nặng, cần thời gian xử lý cực nhanh: 1TB SSD hoặc 128GB SSD + 512 GB SSD.
Card đồ họa
- Không nhu cầu gaming, đồ họa: Không xài card hoặc chỉ xài card onboard là đủ.
- Có nhu cầu gaming, đồ họa: TBD
- TBA
Tỉ lệ màn hình và độ phân giải
- Nếu bạn muốn thuận tiện cho việc di chuyển: Nên chọn màn hình với 13-14". Tuy nhiên với màn hình nhỏ này thường không có độ phân giải Full HD (FHD, 1920x1080), mà thường chỉ là 1366x768 nên độ phân giải sẽ thường nhỏ hơn -> Code sẽ khó chịu hơn một chút vì bị giới hạn tầm nhìn,
- Còn lại thì các bạn cứ chọn 15.6" thôi. Nhưng nhớ chọn các màn hình có độ phân giải cao như FHD để có thể trải nghiệm tốt hơn khi code.
Các loại cổng, ổ đĩa
- Nên chọn laptop có USB 3.1 Gen 2 trở lên. Do cổng USB 3.1 Gen 1 (hay còn biết tới USB 3.0) đã cũ và bị nhiều lỗi. Cách phân biệt: https://www.dienmayxanh.com/kinh-nghiem-hay/usb-3-1-la-gi-1136414
- Nên có thêm cổng VGA và HDMI port để dễ dàng thuyết trình hơn. Theo mình biết nhiều trường vẫn xài máy chiếu cũ nên sẽ cần cổng VGA. Còn không bạn xài adapter từ VGA sang HDMI cũng được. Nhưng nhớ ưu tiên có 1 cổng display port để thuận tiện xài máy chiếu.
- Ổ đĩa nên bỏ để chừa chỗ gắn thêm ổ cứng, vì bây giờ cũng hiếm ai xài ổ đĩa nữa.
Lưu ý khi chọn laptop
- Khi chọn laptop dù cũ hay mới, thì nên google dạo hoặc hỏi các group phần cứng về thông tin mainboard có dễ sữa chữa và nâng cấp hay không. Để có hư hoặc yếu thì cũng dễ thêm thắt linh kiện vô mà không phải mua máy mới.
- Khi chọn laptop cũ, với các laptop Windows/Linux thì nên chọn dòng đời mới nhất đi xuống dần trong khoảng 3-5 năm. Như năm nay 2020, thì chọn các laptop đời 2019 trước, nếu không tìm được thì 2018, … tới 2015 thì nên dừng. Vì những máy quá 5 năm thường phần cứng sẽ bị lỗi thời, khó kiếm linh kiện sữa chữa khi hỏng hóc.
- Tìm trên mạng cách loại benchmark để kiểm tra laptop cũ. Như Crystal Disk Info để xem + benchmark ổ cứng.
- Nhớ luôn chọn mua laptop thấp hơn tiền dự kiến cỡ 1-2tr để có gì upgrade cho dễ. Như thêm RAM, thêm dung lượng ổ cứng, v.v.
- ĐỪNG mua laptop chơi game phục vụ cho việc học tập. Cái này do cá nhân của mình thấy nhiều bạn bè mình mua laptop chơi game. Mà laptop này tối ưu cho việc chơi game thôi, nên dẫn tới bị nhiều lỗi vặt về driver hoặc phần mềm cho lập trình rất khó chịu. Ngoài ra cài Linux đồ cũng khó do phần cứng chủ yếu tối ưu cho Windows. Laptop chơi game rất đắt tiền nên nếu không có nhu cầu chơi game quá nhiều, mình nghĩ đừng nên mua laptop chơi game để phục vụ học tập!
Một số laptop tham khảo
- Macbook hoặc Macbook Pro (2015 trở lên): Toàn diện từ mobile tới web, đồ họa nhưng không chơi game được.
- Macbook hoặc Macbook Pro 2012 -> 2014: Đủ để phục vụ cho tác vụ đơn giản + học lập trình web.
- Lenovo Thinkpad T480s/T480: Rất tốt cho lập trình web/app và Linux user.
- Nhờ mọi người thêm giúp mình vào đây
Một số lưu ý khác (by kisuluoibieng)
- Đối với laptop, hầu như chỉ có thể nâng cấp được RAM và ổ cứng, nên việc chọn CPU (hoặc có thể là màn hình HD/full HD/…) là rất quan trọng.
CPU nên ưu tiên i5 8th hoặc ryzen 5 4xxx trở lên nếu có điều kiện, không thì cũng cố gắng tìm cpu 4 nhân trở lên.
Với màn hình thì khuyến khích chọn full HD. - Có thể chọn laptop với ổ HDD rồi nâng cấp sau nếu cần (thật ra là mua xong nâng cấp ngay luôn vì chắc chắn cần). Năm nay là năm 2020, mình không thích những máy có sẵn ổ SSD 128GB (dùng văn phòng thì được), vì khi nâng cấp thì lại dư ra nó. Mua máy chỉ có HDD và gắn thêm SSD hoặc mua máy có sẵnSSD dung lượng cao ngay từ đầu.
Khuyến khích SSD 240 GB trở lên, giá thị trường ~700k, 500GB ~ 1400k - Với RAM cũng tương tự ổ cứng, có thể mua mức RAM thấp (4GB) để tiết kiệm chi phí rồi nâng cấp sau. Tuy nhiên nếu máy các bạn từ i5 8th trở lên thì khuyến khích chọn máy có 8GB RAM ngay từ đầu để sau này có thể nâng 16GB tiện hơn (nếu 4GB -> 8GB thì cũng ok, nhưng nếu muốn 4GB -> 16GB thì sẽ bị thừa lại cây 4GB).
Giá thị trường cho cây ram 8GB ~900k - Cố gắng chọn những laptop có những cổng kết nối hiện đại, như type C with DP, cổng VGA là không cần thiết (nhiều bạn vẫn đòi phải có để thuyết trình, nhưng các bạn có thể cân nhắc dùng adapter).
- Mình thấy nhiều bạn đòi có bàn phím số, việc này thì tùy các bạn, cá nhân mình thì dev hầu như không dùng bàn phím số. Thậm chí khó chịu khi sử dụng máy có bàn phím số, vì nhiều phím home/end/page up/page down bị tích hợp vào đó, và hay bị nhầm lúc có/không numlock.
- Một số tính năng ít dùng đến của laptop các bạn nên cân nhắc khi lựa chọn : màn hình cảm ứng, màn hình xoay 360°, cảm biến vân tay, …
- Tránh những câu hỏi ngáo kiểu “học ngành X thì mua máy nào được”, “X triệu mua máy nào ổn”. Những câu hỏi kiểu này chẳng thể nào trả lời được, vì cấu hình máy tính được build theo nhu cầu và mục đích sử dụng cụ thể của các bạn, thông tin về ngành học thì quá rộng và không chi tiết, còn chỉ thông tin budget luôn không đủ để đưa ra lời tư vấn chính xác.