Giải pháp nào để xây dựng một static website tích hợp cms cho site cá nhân đáp ứng accessibility?

Em cũng không quan trọng là nó update nội dung thường xuyên như site động nhưng ít ra nó cũng phải đăng nhập được vào admin và trang dashboard. nếu code tay từ đầu thành một site tĩnh mà có cms thì em sẽ sử dụng express framework làm backEnd và react làm frontEnd rồi kết hợp hai phần này với nhau là quá đủ. Đưa lên github là chạy ngon lành. nếu cần thì kết hợp thêm cái firebase vào là tuyệt cú mèo. Đó là dành cho người có kỹ năng code thành thạo và đỉnh chứ như em thì kiến thức và kỹ năng hạn chế nên khó mà làm được. Chỉ biết, html ở mức hạn chế thôi.

Ngoài ra, em định nói là em biết cả WordPress nhưng nói ở đây sẽ thừa và lạc đề. Vì bản chất WordPress vẫn không thể chạy được trên github. Em không đề cập tới nó.

Em cần một giải pháp vì vừa làm web cá nhân mà có thể tiếp kiệm tiền cho việc thuê dịch vụ bên thứ ba như text to speech, đăng ký các video call. Lý do em muốn là ngoài bố cục và các tính năng cơ bản của một site cá nhân bao gồm: trang chủ, blog, hồ sơ, các dự án đang làm và đã làm, liên hê, giới thiệu,… thì em muốn site của mình nó phải khác với những site khác là nó có cms đơn giản, dễ quản lý cho những người kém về kỹ năng, kiến thức lập trình.

Em cũng muốn có các tính năng như search, login, sign up, comment,… đó là trước mắt nhưng sau này web ổn định thì em thích có những thứ lạ lạ như video call, chứ không phải live chat. Các tính năng accessibility vì như em đã nói ở trên là do em là accessibility tester nên em cũng muốn nó có những thứ liên quan tới nó. Tuy nhiên, comment, search, login có thể tự tạo hoặc sử dụng dịch vụ bên thứ ba nhưng những thứ như video call thì không. Em thấy, google meet rất phù hợp để tích hợp nhưng nó lại không cho.

Em chưa thấy là site tĩnh có thể chạy được adSense nên em không đề cập. Những tính năng accessibility như phóng to, thu nhỏ, đăng giảm độ tương phản, thay đổi font chữ, điều chỉnh màu, text to speech, dark mode, screen reader mode. Ngoài ra, một số thứ trên giao diện em muốn làm cho nó đáp ứng WCAG như alt text, access key, tùy chỉnh menu hay thanh điều hướng,… những thứ đó rất khó làm ở site tĩnh.

Em quan trọng là quản lý nội dung đơn giản là được ạ.

Trên internet có nói là nhược điểm của site động lại là ưu điểm của site tĩnh và ngược lại. Tuy nhiên, nếu site tĩnh nó cũng phát huy những ưu điểm của site động và đơn giản hóa mọi thứ thì quá tốt vì dù sao xây dựng site tĩnh nó vẫn tiếp kiệm chi phí và công sức, thời gian. Dễ tùy chỉnh cho accessibility. Ngoài ra, đối với khách hàng không phải là lập trình thì sẽ dễ quản lý vì họ có một trang admin. Không thay đổi tính năng cũng không sao nhưng ít nhất cũng cần phải đơn giản hóa.

Nếu làm theo cách trên thì github cũng có thể chạy site động mà. Cũng có thể login được. Có lẽ, làm một ứng dụng web sẽ đáp ứng cả ưu điểm của cả site động và tĩnh. Tuy nhiên, kỹ năng và kiến thức của em không đủ để làm những thứ đó.

Quan trọng là tại sao bạn thích static website, do bạn muốn web nhanh hay bạn thấy người khác làm rồi làm theo. Bạn muốn làm web dynamic content nhưng lại muốn host free github, vercel rất khó vì CMS cần database nữa. Nhưng dùng cách nào đi nữa mỗi khi bạn post bài mới phải build và deploy static site lại từ đầu.

2 Likes

Mình đã trả lời bạn ở bên topic này

Ý kiến của mình là bạn không nên đổ quá nhiều thời gian vào việc xây dựng trang web, việc cần thiết hơn là viết bài cho những người bị khiếm thị muốn học lập trình, nội dung lên Internet càng sớm bao nhiêu thì cơ hội càng đến sớm hơn với những người khiếm thị.

3 Likes

Như em đã ghi rõ ở title là cái này dành cho site cá nhân nên em nghĩ là có một cms cũng tốt, viết blog dễ dàng, có thể làm form login hay redirect về trang quản trị khi gõ domain/admin hay domain/login. Dù site tĩnh hay site động thì có thể login google hay có thể làm nhiều thứ khác. Lý do, em thích site tĩnh là vì dùng WordPress database về lâu dài sẽ bị phình to, em thích site tĩnh ở chỗ là nó nhanh. Ngoài ra, em đã đề cập ở bên trên thì do kinh tế của em hạn hẹp nên em cần tiếp kiệm mọi thứ để đầu tư vào đăng ký các dịch vụ để bổ xung tính năng cho site cá nhân.

Em làm site cá nhân để phục vụ nhu cầu cá nhân của em thôi còn về giúp đỡ cộng đồng thì em phải có kế hoạch riêng chứ. Em và các bạn trong group biên soạn đã thảo luận hết rồi nên mọi thứ không quá phức tạp. Cái khó ở đây là thiếu người có chuyên môn mà nếu có nhưng họ không hiểu về người khiếm thị thì sẽ khó làm. Mấy bạn trong group của em thì do đã tiếp xúc với người khiếm thị và đã từng đào tạo về việc hỗ trợ họ nên sẽ dễ làm việc ở mức đơn giản nhưng để mọi thứ tốt thì phải có chuyên môn nhất định về mảng đó.

Google blog sẽ phù hợp với nhu cầu của bạn

2 Likes

Em đã từng sử dụng google blog nhưng nó bị hạn chế là mình không thể kiểm soát giữ liệu, giữ liệu là của mình nhưng không phải là của mình, Em biết, WordPress là sự lựa chọn duy nhất và cũng có nhiều người khiếm thị sử dụng nó nhưng đó chỉ khi kinh tế ổn thôi còn như thời điểm hiện tại thì khá khó khăn vì mặc dù em đủ tiền nhưng toàn là tiền mặt nên không mua được hosting, thứ hai là tài khoản ngân hàng ở Việt Nam không cho phép người khiếm thị làm tài khoản vì họ nghĩ rằng, bọn em không có hành vi năng lực dân sự, không hỗ trợ disability mở tài khoản,… nhiều lý do lắm. Mặc dù, giải pháp hiện tại của em là làm tài khoản online và em đang sử dụng cake làm ngân hàng chính nhưng khổ lỗi là phải xác thực nâng cao hay update tài khoản thì mới thanh toán được nước ngoài. Nếu làm qua video thì mình không nhìn thấy nên sẽ khó xác thực và nếu làm tại quầy thì sẽ bị làm khó ngay, nếu có cho sử dụng thì mình phải ủy quyền cho người khác hay nói trắng ra thì phải có người bảo hộ. mang tiếng là tài khoản của mình mà lại cho người khác quản lý không khác gì thực dân và đế quốc quản lý thuộc địa cả. Rất tù túng.

Về tốc độ, google blog không phải bàn vì em thấy là rất nhanh nhưng hiện tại thì khả năng tùy biến rất thấp và nó vẫn không bằng WordPress. Mặc dù, nó hơn WordPress ở chỗ là về lâu dài database nó không bị phình to và google sẽ tối ưu. Nó cũng gắn được AdSense nhưng phải phụ thuộc vào một số điều kiện bắt buộc như có chính sách điều khoản, có kênh youtube. Cái này rất khó vì bản thân người khiếm thị bọn em rất ít người làm youtube mà lấy kênh khác gắn vào thì vi phạm bản quyền. Em không thích bị ràng buộc kiểu đó. Em muốn giữ liệu của mình do mình làm chủ và ít nhất thì nó không ràng buộc quá nhiều. Về WordPress em chỉ không thích là cái database còn mấy cái khác thì quá ổn.

Giải pháp tốt thay thế wordPress là nukeviet. Nhưng nukeviet lại không đáp ứng WCAG nên em cũng đang gặp khó về điều này. Tự do, nhân quyền thì ai cũng muốn nhưng để phụ thuộc hay bị ràng buộc thì ai cũng khó chịu. Em cũng quan tâm tới quyền riêng tư và bảo mật. Đối với người không quan tâm gì tới công nghệ thì sẽ không đề cao cái này. Đặc biệt là về bảo mật. Static site làm rất tốt điều đó. Nói về mặt chuyên môn, static site có thể dễ tùy chỉnh thêm những thứ về mặt trải nghiệm, cụ thể là accessibility. Tuy rằng, một số tính năng bị hạn chế nhưng nếu cần thì có thể tích hợp dịch vụ bên thứ ba như text to speech, video call, voice chat, comment form,…

Dù sao, các giải pháp trên em cũng đã thử qua và em biết nó khi search google nhưng việc trải nghiệm thực tế thì nó sẽ không giải quyết triệt để vấn đề của em.

Mình có đọc qua nội dung bài post của bạn …Yêu cầu thì làm site tĩnh nhưng có các tính năng của site động !
Thực ra với các blog cá nhân thì gần như chả có gì để bảo mật, kể cả bạn có làm web phim, tin tức,săn mã giảm giá các kiểu .

Trừ khi các bạn làm các site liên quan đến thanh toán, dịch vụ hoặc các yếu tố liên quan đến an toàn thông tin cá nhân người dùng thì việc bảo mật được đặt lên hàng đầu .>Còn lại thì bạn chỉ cần chăm chỉ sao lưu dữ liệu dự phòng là đc, chẳng may bị hack replace website, tấn công DDOS hoặc sự cố k mong muốn thì có cái để phục hồi là được!

1 Like

Nếu bạn không có kinh nghiệm lập trình thì mình nghĩ bạn lên sử dụng CMS như Wordpress vì tiện lợi ,đơn giản,dễ sử dụng và miễn phí.Thích hợp cho mục đích cá nhân và doanh nghiệp
Còn nếu bạn biết lập trình thì kiếm 1 cái template HTML đẹp đẹp nào đó rồi dùng Flask ,Django code tầm 1-2 ngày là được 1 website với các chức năng cơ bản. Sau đó nếu bạn muốn các tính năng khác thì code thêm .Bạn thích thêm,sửa, xóa hay vẽ vời cái gì cũng được !
Nếu bạn không thích lưu lên Database thì lưu nó vào file JSON hay XLM cũng được hay dùng SQLite !
Thực ra chi phí vận hành 1 website tin tức,blog nho nhỏ cho mục đích cá nhân k tốn là bao …Tầm 5 USD mỗi tháng hoặc 17 USD mỗi năm là chán.
Nếu bạn cần phục vụ mục đích thương mại thì cần đi gọi vốn hoặc kiếm vốn bằng việc đi làm thêm để chi trả chi phí ban đầu, sau đó nếu kiếm đc tiền từ ứng dụng,website của mình thì dùng nó để trả chi phí hàng tháng

2 Likes

Sau khi theo dõi các bài của bạn @Nguyen_QuangNguyen thì mình thấy khoan loay hoay với cái chuyện làm web, lập trình đã. Giờ là lúc bạn cần tham gia hội người mù ở địa phương, có vài người bạn cũng có khát vọng tương tự, rồi kêu gọi vài anh em cùng tham gia. Vì “một cánh én chẳng làm nên mùa xuân”, ngay cả người sáng mắt cũng chỉ tự kỷ rồi nằm thở chứ không bơi được gì.

2 Likes

Về static site generators thì nó không thể quản lý nội dung một cách thụ động như cms (content Management System), nó cũng không thể tùy biến sâu nhưng nó hơn WordPress ở chỗ là không có rác. Ngoài ra, không có database nên không có chuyện là bị hack. Ngoài ra, em nghĩ nếu có một giao diện chực quan thì quá tốt vì bản thân Word hay google doc vẫn có thể đảm nhiệm việc soạn thảo. Tuy nhiên, WYSIWYG hay Block cũng sẽ đơn giản với những người ít hiểu biết về công nghệ nhưng đối với em thì khác bản thân em không rành markdown nhưng ít ra nếu viết bằng markdown thì sẽ có thể viết tài liệu theo chuẩn tiếp cận. Lúc này, Một site tĩnh có thể dễ dùng nhưng em muốn có cms và tích hợp markdown editor vào để nếu soạn thảo bằng notepad thì hơi cực vì như em đã quen với WordPress từ khi em tìm hiểu về nó. Trước đây em cũng chạy thử WordPress bằng host free nhưng hiệu quả không cao vì web load rất chậm. Khó để chèn adSense vào. Thế nên, site tĩnh là cái phù hợp cho người kinh tế hạn hẹp. Biết rằng, mấy thứ như comment, contact, search, voice chat, video call, text to speech, screen reader support hay một vài thứ liên quan tới accessibility thì phải sử dụng dịch vụ của bên thứ ba nhưng ít ra mọi thứ về lâu dài không phải lo lắng gì nhiều.

Web cá nhân thì em cũng phải làm vì có thể là nguồn thu nhập thụ động chứ bọn bạn của em, chúng nó làm tẩm quất thế này lương không đủ ăn vì bao nhiêu tiền cũng dành cho sinh hoạt gia đình hết rồi, ngoài ra thì toàn tiêu dùng cá nhân, nói trung, chỉ đủ ăn thôi chứ mà khấm khá thì còn lâu. Trong cộng đồng thì như em đã nói, có rất ít người biết lập trình mà toàn là tự học là chính nên không giúp được em nhiều và mình phải tự lực gánh sinh thôi anh. Chứ chờ người giúp thì tới mút mùa. Em đã xác định là dự án của em là dài hơi nên em cũng phải cân nhắc vì bỏ tiền túi ra thì đồng nghĩa mình phải chi tiêu hạt tiện. còn nếu làm công việc hiện tại của em thì người ta không trả thù lao vì như anh đã biết, muốn thuyết phục họ tin tưởng mình là một quá trình gian nan, vất vả. Các công ti nước ngoài sẽ tin nhưng khi đòi thù lao thì họ từ chối nguyên do là mình không được đào tạo nên sẽ thiếu nhiều thứ.

Cần có một site cá nhân để duy trì nguồn vốn là tốt chứ kêu gọi từ thiện thì chẳng ai quan tâm. Mọi thứ tiền em kiếm được là nhờ việc tham gia các ứng dụng kiếm tiền online mà có nên điều đó, sẽ gây cản trở vì anh biết là việc các ứng dụng kiếm tiền online hiện nay nó không accessible nên bọn em cũng khó dùng nhưng ít ra cũng kiếm được mấy trăm tiêu vặt thôi. Có site cá nhân thì mình có thể xây dựng thương hiệu, có thu nhập thụ động,… nói trung, có rất nhiều lợi ích.

Thực ra, nếu nói về trong hội thì họ chỉ ủng hộ quyết định của em chứ mà thuyết phục họ tham gia dự án này thì khó lắm. Cũng phải thôi, một phần là họ nghĩ rằng, làm tẩm quất cũng đủ ăn và họ không cần thiết phải có nghề mới, thứ hai là họ không đam mê ngành đó. Ngày xưa, em còn đi học thì trong trung tâm của hội có em và một đứa nữa nhưng kết cục là chỉ có em theo còn đứa bạn thì bỏ cuộc. Vì cũng dễ hiểu, hiện nay các trung tâm đào tạo lập trình không nhận người khiếm thị vì nhiều nguyên do. Tuy nhiên, thuyết phục họ nhận người khiếm thị thì khó rồi nhưng làm cách nào để họ có thể làm việc với mình để nghiên cứu phương pháp, lộ trình phù hợp cho đối tượng này là rất khó. Em chỉ vận động được trung tâm vietnet ict và công ti htecom nhận dạy thôi. Thế mới có khóa frontEnd cho người khiếm thị như bây giờ. Lý do đơn giản là họ có sứ mệnh là đem công nghệ tới cộng đồng nên họ sẽ dạy nhưng những trung tâm như imic, niit, aptech thì sứ mệnh không cùng và họ sẽ ưu tiên lợi nhuận hơn là thành quả.

Về nguồn lực tài chính cho dự án thì hạn chế mà nguồn nhân lực cũng khá hạn chế. Như em đã nói, em phải bỏ tiền túi ra để lo và tiền vào chẳng thấy lại thấy mất thêm. Nhưng hầu hết, thì không đủ vì tiền túi để trả tiền internet và sinh hoạt cá nhân cũng như gia đình hết rồi. Như anh đã nói làm một mình, đơn thương độc mã là khó thành công nhưng ít ai có tâm huyết như em đâu. Kể cả, họ bận thì cũng có thể thu xếp được nhưng hầu hết họ vẫn còn nghĩ là học cho biết và chưa nhận ra tầm quan trọng của nó. Một điều bất cập là các công ti không nhận người khiếm thị nên họ không có động lực để cố gắng.

Trong hội thì có em và một đứa nữa cũng giỏi tin nhất trong cả trung tâm nhưng một điều là đứa bạn em nó bỏ cuộc vì đơn giản nếu có học được thì cũng không xin được việc như em đã nói ở trên, các công ti không nhận người khiếm thị. Tạo site cá nhân cũng là cái tốt vì dù sao, mình có thể giúp bản thân mình có tên tuổi trên internet và sẽ thay đổi nhận thức của nhà tuyển dụng, giúp họ biết tới mình nhiều hơn. Khi có quan hệ tốt thì sẽ có sự giúp đỡ đúng lúc. Chứ dựa vào năng lực của cộng đồng thì như em đã nói, số lượng người khiếm thị như em có đam mê thì ít mà những người đó toàn là tự học và chính vì tự học nên thiếu nhiều kỹ năng, rất mất thời gian vì phải biên soạn lại tài liệu, nếu học song thì công nghệ nó đã thay đổi từ lâu rồi. Thế nên, nếu được đào tạo đúng cách thì sẽ tốt.

Nhiều người cứ nói em xa xả là có ai theo ngành này đâu? Mỗi em theo ngành đó. Cũng phải thôi, số lượng người khiếm thị biết lập trình rất ít và hầu hết, họ không xin được việc. Hiện nay, những người biết tới em là ít nên lợi ích của thương hiệu cá nhân là rất quan trọng. Ngoài ra, có rất nhiều người khiếm thị cũng có website cá nhân nhưng hầu hết là họ dùng WordPress, nếu em và anh Bình không mở khóa đó thì họ cũng không biết để tham gia.

Như em đã nói, không phải ai cũng mạnh dạn giám làm như em vì mặc dù họ có đam mê nhưng họ không giám bày tỏ vì sợ gia đình phản đối và sợ các trung tâm không thể dạy họ hay xa hơn là các công ti không nhận họ vào làm việc cho họ. Điều này cũng dễ hiểu, đa phần người khiếm thị đều do gia đình sắp đặt là làm nghề gì phải theo ý gia đình, phần lớn họ sẽ định hướng cho con cái của họ làm massage vì nó cũng phần lớn phụ thuộc vào ảnh hưởng, nhận thức của xã hội là chính. Chỉ khi có khóa học thì mới có học viên tham gia. Như anh Bình có nói: có cung ắt sẽ có cầu. Cầu thì nhiều nhưng cung chẳng thấy đâu. VÌ bản thân họ không giám bày tỏ. Em biết đây là hướng đi khó nhưng ít ra thì mình được sống với đam mê, mình là chính mình chứ không phải là người khác.

1 Like

em nhớ là trong php có một framework là Laravel. Có nhiều website sử dụng framework này. Tuy nhiên, em không biết về php và em muốn tận dụng github để lưu site cho tiện sửa khi cần. Ngoài ra, lưu trên github thì web có thể sống lâu mà không bị chết. Nếu có mất tiền thì cũng chỉ mất cái domain là ít nhất.

1 Like

Với những yêu cầu cho web động như này thì host free không có cái này đáp ứng được. Bạn có thể giải thích wordpress sinh ra rác ở điểm nào không? Và bạn đừng quá quan trọng việc blog cá nhân bị hack vì blog cá nhân database chỉ lưu bài viết, comment, … ngoài ra còn lưu gì nữa đâu nên trong database có gì thì nó đã show ra ngoài hết rồi. Hacker cũng không bao giờ hack blog cá nhân làm gì cả.

2 Likes

Em muốn tích hợp những tính năng liên quan tới accessibility và các tính năng khác để tạo sự khác biệt cho site cá nhân như video call, voice chat, text to speech, việc cài nhiều plugin hay theme để đáp ứng những yêu cầu đó thì khả năng web load sẽ chậm và so với code tay còn tệ hơn. Nhưng nếu code tay thì em lại không biết php thì chỉ còn cách dùng site tĩnh. TTs thì có google tts còn những thứ khác thì phải cài thêm plugin. Trong khi đó, những site code tay có thể đáp ứng wcag mà không phải cài thêm những thứ bên ngoài. Em đã làm một site bằng WordPress đầy đủ những tính năng mà em cần (chưa kể những thứ nâng cao như voice chat, video call,…) thì nó đã mất hơn một chục cái plugin rồi. Về theme thì do dùng theme nhẹ nên sẽ đỡ nhưng một điều đáng lo ngại hơn là khi em search google thì nó có rất nhiều bài viết liên quan tới xóa rác trong database của WordPress chứ không phải web code bằng laravel hay các cms khác như nukeviet. Dẫn chứng thì anh em có thể tham khảo bài này:


Ngoài ra, còn có rất nhiều bài viết tương tự, chỉ cần gõ với từ khóa rọn rác database trên google thì nó toàn ra những bài viết về dọn rác database của WordPress chứ những cms khác lại không có. Em đã từng thử cài nukeviet và thấy nó load web nhanh hơn so với các cms khác như joomlar hay drupal. mặc dù, nukeviet không accessible bằng WordPress nhưng nó đã giải quyết vấn đề của em về tốc độ load. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là việc tùy biến nukeviet sẽ khó hơn cũng như vấn đề WCAG là chưa giải quyết. Thế nên, em nghĩ cần có một giải pháp an toàn hơn lúc này. Hiện tại, về ứng dụng dù là mobile hay web thì ở VN chỉ có 10% ứng dụng là accessible còn lại 90% ứng dụng ở Vn thì disability không thể tiếp cận được. Ở Vn có trang Nguoibanso.vn là website đầu tiên ở Vn áp dụng tiêu chuẩn WCAG của W3C. Vì vậy, em muốn một website phải đáp ứng được những thứ đó, đương nhiên vì em cũng là người khuyết tật mà nên cần phải có những tiêu chuẩn đó thì mình mới dễ làm chủ và vận hành website tốt được.

1 Like

Em ví dụ cụ thể hơn để anh em dễ hiểu nha, em có một anh bạn cũng là người khiếm thị và đang sử dụng nukeviet để xây dựng website của mình, ngoài việc update các tính năng mặc định của nukeviet, anh ấy còn tự code thêm các thứ khác để nó có thể accessible hơn. Tuy nhiên, cách đây 1 năm site của anh ấy bị hack. Site này đã hoạt động từ năm 2013 tới giờ rồi. Nếu nói là site cá nhân không bị hack thì không thuyết phục cho lắm. Lúc em đọc nhiều bài viết trên google thì họ nói là WordPress dễ bị hack do là mã nguồn mở và bảo mật kém. Đồng nghĩa với việc, các cms khác như nukeviet cũng có thể bị tấn công. Trường hợp này, anh Toản cũng bị rồi. Mang tiếng đó là site cá nhân mà lại do người khiếm thị quản trị mà vẫn bị hack như thường. Thế nên, không có chuyện là không ai thèm hack site cá nhân. Đây là website của anh ấy:


Bây giờ, nó đã khôi phục. Nhiều người nói code tay không bị hack thì cũng sai vì website của thư viện sách nói hướng dương cũng bị tấn công mặc dù, nó code tay và xây dựng trên framework hẳn hoi. Rõ ràng, nếu bảo là site cá nhân mà không bị hack thì em cũng khó có sức thuyết phục. Bây giờ họ đã phải thay đổi tên miền: https://thuviensachnoihuongduong.com. Đó là những dẫn chứng để giải thích cho vấn đề này.

Về kinh tế thì hiện tại em chỉ có tiền mặt chứ tài khoản ngân hàng không có vì như em đã nói ở những comment trước, ngân hàng không cho người khiếm thị mở tài khoản vì lý do của họ là người khuyết tật không có hành vi năng lực dân sự, ngoài ra, họ yêu cầu phải có người bảo lãnh thì mới cho mở và họ chỉ cho phép giao dịch ở chi nhánh của họ chứ các chi nhánh khác thì không cho hoặc họ còn cấm sử dụng internet banking. Tuy nhiên, với công nghệ phát triển thì bọn em có thể sử dụng những thứ đó. Thời đại 4.0 mà tư duy theo kiểu 0.4 thì mệt lắm. Cũng phải mà, cho tới bây giờ vẫn còn người hỏi em là không nhìn thấy thì dùng công nghệ kiểu gì? Nhiều câu ngớ ngẩn. Trong khi đó, trên thế giới họ biết thừa điều đó là bình thường vì ai cũng có quyền tiếp cận công nghệ một cách bình đẳng.

1 Like
83% thành viên diễn đàn không hỏi bài tập, còn bạn thì sao?