Giúp đỡ người khiếm thị muốn học lập trình

Chào mọi người, trước đây em có tham gia một khóa học lập trình quốc tế nhưng do nhiều yếu tố liên quan tới phương pháp và lộ trình không phù hợp nên em phải bỏ ngang việc học. Em là người khiếm thị nên mọi người có thể giúp đỡ em ạ. Trong cộng đồng thì ở Việt Nam rất ít người khiếm thị theo ngành IT. Theo như em tìm hiểu, đa phần người khiếm thị đều làm BackEnd chứ không làm FrontEnd. Trước đây em định hướng bản thân mình theo mobile nhưng do cuộc đời sô đẩy nên em quay sang làm web. Em cũng biết một chút HTML cơ bản, css, php và java script thì em không biết. Bản thân em đã có thể tự cài đặt react native vào máy tính. Tuy nhiên, máy em cấu hình yếu nên không học tiếp được. Tuy nhiên, em có kinh nghiệm 7 năm chuyên nghiên cứu về accessibility và công nghệ trợ giúp cho người khiếm thị, em đã từng làm accessibility tester được 4 năm nhưng không có thu nhập nên em phải đi code và những mảng liên quan tới accessibility không có ở Việt Nam. Em lại muốn sáng tạo ra những thứ để tăng thu nhập cho bản thân và trợ giúp cộng đồng. Em nghĩ là việc học của em sẽ tốt. Em tin là em sẽ lan tỏa được niềm đam mê cho nhiều bạn khiếm thị khác theo ngành. Ngoài ra, em cũng biết về WordPress và đã có tài khoản github riêng. Nếu mọi người có phương pháp học lập trình cho người khiếm thị hiệu quả thì có thể giúp em với ạ. Em đã tìm đủ các trung tâm học CNTT nhưng không ai chịu nhận em cả, họ tìm đủ mọi cách từ chối em. Em hi vọng, nhận được sự trợ giúp của mọi người ạ. Cảm ơn mọi người nhiều ạ.

6 Likes

Bạn liên hệ trung tâm Sao Mai nhé, nó là do người khiếm thị lập ra và có đào tạo công nghệ thông tin, hình như có giới thiệu việc làm nữa.

Địa chỉ: 52/22 Huỳnh Thiện Lộc, P. Hòa Thạnh, Q. Tân Phú, HCM, Việt Nam
Liên hệ: +84 28 7302-4488
Email: [email protected]
WWW: https://saomaicenter.org/vi/contact/tech_team

9 Likes

Em có biết trung tâm Sao Mai và đã từng làm việc với họ nhưng ở đó không dạy lập trình ạ. Ngày Xưa thì họ có nhưng từ năm 2014 thì họ chuyển hướng sang hoạt động là hướng nghiệp và công nghệ trợ giúp cho người khiếm thị chứ không còn đào tạo nữa. Tức là khi người khiếm thị đi học đại học hay có gặp khó khăn về công nghệ trợ giúp, trang thiết bị chuyên dụng thì họ sẽ hỗ trợ, cái đó chỉ dành cho những bạn ở TP HCM còn em ở Hải Dương thì không. Vì em đi học ở Hà Nội cơ ạ.

Trước đây, em cũng tham khảo code của những người khác và em cũng xem video rồi code theo. Học như thế sẽ không đạt hiệu quả, đó cũng chỉ là học mót vì học theo cách đó sẽ không hiểu được bản chất vấn đề, không hiểu được cơ chế vận hành của một ứng dụng, lý thuyết cơ bản cũng như thuật ngữ chuyên ngành cũng không có luôn. Như thế sẽ càng khó xin việc. Cái khó của bọn em khi học lập trình là không có tài liệu có thể tiếp cận, nhất là tài liệu cho người mới bắt đầu. Khả năng tiếng Anh của em không tốt nên sẽ khó học hơn một chút. Nếu những bạn có lắm được kiến thức vững kỹ năng thì có thể lên các diễn đàn lập trình của người khiếm thị ở nước ngoài để chao đổi và học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, đối với người mới học lại còn kém tiếng Anh như em thì việc học theo cách đó là khó. Ở Việt Nam chưa có bất kì một diễn đàn dành cho các lập trình khiếm thị ở Việt Nam nên em có tạo ra một group trên facebook tên là cộng đồng lập trình khiếm thị Việt Nam. Trong nhóm đó, những người biết lập trình thì có 10 người còn đủ điều kiện theo ngành thì chỉ có 1 vì đa phần là tự học hết. Nhưng nếu đã xác định đi làm thì học theo cách đó không ổn, vì không đủ kỹ năng, đến khi ta học song thì công nghệ nó đã thay đổi rồi thế nên, bọn em sẽ bị tụt hậu so với người khác. Như thế, càng khó xin việc hơn.

Có lẽ, mọi người cũng biết anh Nguyễn Hoàng Giang rồi đúng không ạ? Anh ấy là coder khiếm thị đầu tiên của Việt Nam đi làm ở Singapore và hiện tại, anh ấy đang làm cho Apple. Trước đây, anh ấy có làm việc cho Grap. Khi đi xin việc, để tránh trường hợp họ không nhận mình thì em hay dấu nhẹm mình bị khiếm thị, nếu em mà nói thẳng ra thì họ sẽ từ chối ngay và luôn. Em nghĩ là một khi ta có đầy đủ kỹ năng cần thiết, tự tin vào bản thân, làm tốt công việc mà họ giao thì chẳng tội gì phải nêu khiếm khuyết của mình ra cả. Em với anh Giang nói chuyện với nhau cũng không nhiều. Em biết anh ấy qua báo trí thôi nhưng dạo gần đây em có tìm được facebook nên lúc đó mới inbox nói chuyện. Nói trung, làm ở công ti lớn thì anh ấy cũng bận.

Ở Sao Mai có anh Đặng Hoài Phúc là giám đốc trung tâm đó. Ngày xưa em bắt đầu từ autoIT và khi em học ở Aptech thì họ lại bắt đầu từ c. Phương pháp họ đào tạo theo mô hình học trước làm sau. (đào tạo ngược) 75% thực hành và 25% lý thuyết. Ra trường, sẽ có việc làm, lương khởi điểm là 8.000.000. Môi trường học tập thì rất phù hợp vì họ chuyên về thực hành, họ hỗ trợ em đủ thứ như việc cài đặt các phần mềm đọc màn hình trên máy tính windows như NVDA, hỗ trợ tai nghe để nghe trong lúc thao tác với máy tính. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần thôi còn điều kiện đủ thì không đáp ứng.

Ví dụ: Chương trình học quá nhanh, tài liệu không ở định dạng tiếp cận, mọi thứ đều minh họa bằng hình ảnh hoặc scan một quyển sách rồi chiếu lên màn hình bằng phần mềm inside student.

Mặc dù, công nghệ ocr rất phổ biến nhưng khi chuyển đổi sang font tiếng Việt thì bị lỗi và bản thân các bộ đọc tiếng Việt như Sao Mai VN voice đã sử dụng các công nghệ tổng hợp tiếng nói lỗi thời nên không đáp ứng được nhu cầu đọc các loại tài liệu hiện nay theo các font chữ khác. Bộ đọc Sao Mai vn Voice được phát triển vào năm 2007. Trong khi đó, các công nghệ chuyển văn bản sang giọng nói hiện nay như VBEE, google tts, zalo tts,… đều sử dụng AI để tổng hợp tiếng nói như vậy, chất lượng giọng đọc sẽ tốt hơn và đọc nội dung sẽ chuẩn hơn. VỚi mô hình machine learning, deep learning, data science thì việc đưa ra một bộ đọc có chất lượng giọng nói tốt như người thật sẽ giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, những công nghệ đó chỉ có trên nền web và không có phiên bản cho windows hay ad-on cho NVDA. Hiện tại, chưa có bộ đọc nào có thể thay thế Sao Mai VN Voice.

Sét về giáo dục ở Việt Nam không phù hợp với người khiếm thị vì họ cần được đào tạo theo đúng phương pháp, đúng lộ trình, bản thân giảng viên cũng phải hiểu rõ được cơ chế hoạt động của các phần mềm đọc màn hình. Đó là mức độ cơ bản nhất mà giảng viên cần phải làm, ngoài ra tâm lý của học viên cũng là thứ quan trọng đến chất lượng buổi học. HỌc viên mà chầm quá thì cũng không hay. Về đồng nghiệp thì họ phải có kinh nghiệm làm việc với người khiếm thị thì họ mới giúp đỡ được người khiếm thị còn không thì sẽ gặp khó khăn ngay từ ban đầu. Họ sẽ bỡ ngỡ, không biết làm cách nào để giúp đỡ họ. Cái gì cũng có cái khó lúc ban đầu nếu học đúng phương pháp, lộ trình, có kì thực tập phù hợp thì sẽ dễ học hơn.

Trung tâm Sao Mai chỉ đào tạo tin học căn bản và tin học văn phòng chứ không còn dạy lập trình nữa. Cũng có thể là do ít bạn trẻ khiếm thị quan tâm cũng như lúc đó, ngành IT chưa phát triển mạnh như bây giờ. Như bọn em thì chỉ có hợp với mobile và web nhưng đa phần là đi làm web vì làm mobile sẽ phức tạp hơn nhiều. Bọn em chỉ làm BackEnd chứ FrontEnd thì cũng có thể làm nhưng nó không được đẹp. nếu giúp website có thể tiếp cận với nhiều người, đáp ứng tiêu chuẩn WCAG hoặc hỗ trợ accessibility thì bọn em làm được.

đi xin vào công ti là một chuyện còn khi đối diện với khách hàng thì là một chuyện khác, đôi khi họ không muốn làm việc với mình vì họ không tin tưởng năng lực của mình. Người VIệt Nam rất hay nhìn vào khiếm khuyết của người khác để đánh giá chứ không nhìn vào năng lực thực sự của họ. Điều đó em biết nên em sẽ không nói ở đây. Ở Mĩ và các nước phương Tây thì họ quan tâm rất nhiều về accessibility và nhận disability vào làm việc. Vì vừa tạo sự công bằng, vừa được giảm thuế. Còn ở Việt Nam thì ai thích nhận thì nhận còn không thích thì thôi. Nó không mang tính chất bắt buộc.

Ví dụ: trong công ti có 50 người trở lên thì các sản phẩm của họ phải tiếp cận với các khách hàng bao gồm cả người khuyết tật. Để làm được như vậy thì chỉ có nhận người khuyết tật vào làm việc chứ nếu người không khuyết tật mà làm thì mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu và nghiên cứu về công nghệ trợ giúp cũng như những thứ liên quan tới accessibility.

Ở Việt Nam thì những dạng khuyết tật nặng được quan tâm hơn là những dạng khuyết tật khác. Ví dụ: khuyết tật vận động,… mặc dù, khó khăn là như nhau. Tuy nhiên, cách tiếp cận nội dung giáo dục lại khác nhau. đối với người khuyết tật nghe thì phải có máy trợ thính hoặc ốc tai điện tử. Đối với người khuyết tật nói thì sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. đối với bọn em thì sử dụng trình đọc màn hình đối với người mất thị lực còn người nhìn kém hay sử dụng phóng to văn bản hoặc mù màu thì sẽ thay đổi độ tương phản hoặc thay đổi màu sắc.

Nói trung, em bây giờ kiến thức bị rỗng rất nhiều. VÌ tự học và mỗi nơi mỗi ít. Kiến thức không được hệ thống lại nên em rất khó để học tiếp nên cao. Nói trung, việc học lập trình của bọn em là rất khó khăn. Nếu có tài liệu thì đã giảm đi một nửa. Phương pháp, lộ trình phù hợp thì sẽ dễ hơn rất nhiều.

Khó khăn của bọn em là không có tài liệu, đôi khi có một số tools bọn em không thể tiếp cận được. Về mặt nội dung cũng không phù hợp vì bọn em sẽ có cách tiếp cận khác với những người sáng mắt. Để ứng dụng hay một website có thể tiếp cận tốt thì phải đáp ứng tiêu chuẩn wcag và để nó có thể responsive thì sẽ khó hơn nhưng bọn em vẫn có thể làm nhưng sẽ không thể nhanh như người sáng mắt được, Bản thân em cũng không thể hình dung ra việc người khiếm thị debug ra sao? Chính vì thế, việc học ở các trung tâm hay có những tài liệu phù hợp là cần thiết. Việc làm mobile thì khó hơn vì khi Deploy lên máy ảo thì bọn em không thể kiểm soát nó do trình đọc màn hình không có trên máy ảo. Thường thì bọn em sẽ lấy thiết bị thật ra để test, bản thân android có trình đọc màn hình tên là Talkback, còn IOS thì có VoiceOver.

Em đã từng tìm hiểu và nghiên cứu về no code, low code. Tuy nhiên, lĩnh vực này khá mới nên accessibility vẫn chưa được quan tâm cho lắm. Bản thân, em đã tham gia stack overflow nhưng em là người mới và kiến thức bị rỗng lên em chưa thể học tiếp. Hiện nay, số lượng người khiếm thị sử dụng smart phone và các thiết bị công nghệ rất nhiều. Đặc biệt là người trẻ. Tuy nhiên, với các nước khác thì người khiếm thị đi code rất nhiều. Theo như khảo sát của Stack overflow trên thế giới có 1.1% người khiếm thị làm lập trình. Trong đó, không có ai là người Việt mà nếu có thì rất hạn chế, khiêm tốn. Nói trung, người khiếm thị theo ngành IT rất hiếm. Có lẽ, tính kì thị ngấm sâu vào máu rồi, luật pháp cũng không tạo mọi điều kiện. Dù sao, bọn em cũng phải tự cứu mình thôi, tranh thủ sự trợ giúp từ bên ngoài và ủng hộ của bạn bè. Bọn em cũng phải đấu tranh nhiều lắm, về mặt tâm lý, về rào cản bản thân, rào cản gia đình và định kiến của xã hội. Chứ đợi nhà nước hỗ trợ thì tết tây cũng không làm lên trò chống gì.

Thú thật là mình cũng không biết phải làm thế nào để hỗ trợ cho việc học của người khiếm thị vì rất ít được có dịp tiếp xúc ngoài việc bán hàng ngoài chợ thì họ tới mua vài thứ vật dụng gia đình, mình có trò chuyện, thi thoảng mấy thứ kềnh càng thì mình giao giúp tới nhà, rồi mua giúp một số tăm, chổi. Còn những người khiếm thị mà có trình độ muốn tham gia vào những lĩnh vực cao cấp hơn của thị trường lao động thì hầu như mình không biết gì, vấn đề có vẻ vĩ mô quá, XH chưa quan tâm. Đúng là người khiếm thị phải đang tự giúp nhau là chính, thi thoảng có một số người quan tâm nhưng so với nước ngoài hãy còn quá ít ỏi.

Qua trình bày thì thấy có vẻ con đường học tiếng Anh là phải trải qua trước khi học lập trình, chứ giờ ngay cả người sáng mắt tài liệu về lập trình bằng tiếng Việt còn thiếu hoặc quá lỗi thời thì tài liệu cho người khiếm thị sẽ quá khó. Mình lục soạn một lát thấy có khoá dạy Front-end cho người khiếm thị, thử click https://learn.htecom.vn/khoa-hoc/khoa-hoc-lap-trinh-va-thiet-ke-front-end-cho-nguoi-khiem-thi/

3 Likes

Em không biết ở khu vực anh đang sống thì tình hình người khiếm thị ở đó ra sao, em cũng không biết là anh gặp người trẻ hay người cao tuổi. Nhưng em khẳng định một điều là người khiếm thị hiện nay xin việc rất khó khăn thế nên, dù cho có học cao đến đâu thì cũng đi làm tẩm quất, hát rong,… rất ít người táo bạo, chịu thay đổi mình lắm. Đa phần, họ toàn đi theo lối mòn. Tức là tương lai không định hình và chính vì cứ vòng luẩn quẩn như vậy thì bản thân họ cũng không thể phát triển được. Số lượng người học hết cấp 3 đã ít rồi thì những người học đại học thì càng ít hơn. Lý do là nguồn tài liệu học tập rất hiếm và điều kiện học tập của họ rất ít. Chỉ những thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Vĩnh Phúc, hải dương,… thì mới có điều kiện tiếp cận với những tài liệu đó, với các công nghệ trợ giúp chuyên biệt. Còn ở những nơi tỉnh lẻ, khó khăn hơn thì mọi thứ bằng không. HỌ chỉ học hết cấp 2 là phải nghỉ rồi. Có một vài nguyên nhân như: tài liệu hạn chế, các cơ sở hội còn yếu, cơ hội của họ không có, họ không được tạo điều kiện bởi gia đình vì đơn giản quan niệm của họ là nếu có học cao thì cũng chỉ làm tẩm quất nên gia đình họ không tạo điều kiện cho họ được học cao hơn, trong khi đó, các doanh nghiệp bây giờ tuyển dụng thì ít nhất cũng phải có bằng cấp 3 nhưng số người khiếm thị có bằng cấp 3 là ít. Có nhiều trường hợp gia đình không tin tưởng và buộc họ phải nghỉ học. Trong khi đó, họ học rất tốt, lúc nào cũng đứng đầu lớp. Bản thân người khiếm thị ở Việt Nam không thể tự quyết định cuộc sống của mình. Tức là họ thụ động, không giám nói lên ý kiến của bản thân. Nếu họ cứ kiên quyết thì ai giám cấm họ. Bản thân em cũng bị gia đình phản đối nhưng cứ kiên định với nó thì ai giám phản đối.

Các trung tâm đào tạo IT thì cũng phải yêu cầu tối thiểu là bằng cấp 3 trở lên thì mới được vào học. Ngày Xưa, em học ở BachKhoa Aptech thì chỉ cần điểm trung bình là 6.5 là vào được rồi, họ sét học bạ luôn. Một phần cũng là do gia đình của họ khó khăn nên không đủ kinh phí lo cho họ. Một phần khác là do nền giáo dục của Việt Nam không phù hợp với người khiếm thị. Rất ít trường hòa nhập có thể dạy được. Rất ít trường chuyên biệt có thể dạy được. VÍ dụ: ở tỉnh lẻ thì phải tới tp HCM hoặc Hà Nội để học ở trường Nguyễn Đình Chiểu, Cả nước có mỗi trường này là trường chuyên biệt còn lại thì không đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, Nguyễn Đình Chiểu chỉ Dạy đến hết cấp 2 là nghỉ rồi, họ không dạy được cấp 3. Ngoài ra, có một số ít trường cấp 3 nhận người khiếm thị nhưng ở mức hạn chế như trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, (Hà Nội), trường trung học phổ thông Thăng Long (Hà nội), trường THPT Nguyễn Tri Phương (TP HCM), Trường THPT Hồng Quang (TP Hải Dương), Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Tp Hải Dương), trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (tp Hải Dương). Nói trung, cơ hội học tập của người khiếm thị là rất ít.

Em đã search google và tìm thấy rất nhiều tài liệu lập trình cho người sáng mắt bằng tiếng Việt, tuy rằng, công nghệ lỗi thời update chậm chạp nhưng ít ra nó vẫn là nguồn tài liệu đáng để tham khảo cho người mới bắt đầu. Thật sự, nó rất hữu ích. Nhưng khi em tìm tài liệu cho người khiếm thị thì không có bất kì một thông tin nào trên google cả. Chỉ có tài liệu nước ngoài thì đương nhiên sẽ có rồi. Ở nước ngoài thì họ quan tâm đến người khiếm thị hơn là ở Việt Nam. Vì thế, mới đào tạo ra những lập trình viên tốt, nếu nói theo góc nhìn của người sáng mắt thì họ được gọi là lập trình viên đặc biệt.

Về khóa học lập trình FrontEnd lý do tại sao mà em không đăng ký, vì khóa đó chỉ là demo và họ đang trong quá trình chiêu sinh học viên để dạy thử. Bản thân họ chưa từng có kinh nghiệm làm việc với người khiếm thị bao giờ cả và họ cũng chưa dạy người khiếm thị bao giờ. thế nên, do họ không có kinh nghiệm nên em không thể tham gia, em không muốn dẫm vào vết xe đổ của mình như ở Bachkhoa Aptech. Vì thế, mỗi một việc mà người sáng mắt có ý định muốn giúp đỡ bọn em thì em phải cân nhắc xem mình có lên tham gia hay không? Bản thân em không thích những cái gì mà mình không thể làm hoàn hảo như người khác. Mặc dù họ giúp đỡ bọn em thì bọn em xin ghi nhận nhưng vì họ là người sáng mắt nên em phải cẩn thận vẫn hơn. Nếu mình học được mà họ không biết cách dạy thì có dạy đến mấy thì mình cũng khó mà tiếp thu được. Như em đã nói ở trên, muốn dạy được người khiếm thị thì phải hiểu được học viên, phải tìm đúng đối tượng muốn quan tâm tới nó, hiểu được tâm lý của học viên, kiên nhẫn, đặc biệt là chính giảng viên đó ít nhất cũng phải hiểu được nguyên lý hoạt động của các trình đọc màn hình. Em cũng nói luôn là hiện tại em đang sử dụng NVDa phiên bản 2021.3.1.

1 Like

Em cũng đang phụ trách khóa học thiết kế web bằng wordPress cho người khiếm thị. Em cũng phải đi tìm sự trợ giúp của những giảng viên bên ngoài. Vì bản thân người khiếm thị không có ai dạy về cái đó. đa phần là dạy tin học cơ bản. Ngày xưa toàn học chuyền tay chứ có như bây giờ đâu, gõ tài liệu tin học cho người khiếm thị thì rất nhiều nhưng số lượng người khiếm thị biết sử dụng các thiết bị công nghệ rất ít chỉ có 9.000 người trong cả nước. Nói trung, để phổ cập tin học cho người khiếm thị đã khó rồi, bây giờ còn phổ cập lập trình cho người khiếm thị còn khó hơn. Em học chỉ tốt cho em là em có thể kiếm thêm thu nhập nhưng để thay đổi cái nhìn của xã hội thì phải có nhiều người như em theo ngành. Lúc đó, mới tạo được lòng tin cho người khác được. nếu em có đi dạy thì chỉ có dạy ở nơi em sống còn nhiều người học thì sẽ dạy được ở khắp nơi. Bản thân em biết đến đâu thì dạy tới đó. Còn thực ra, em không dạy mà đi nhờ là chính vì kiến thức của em không đủ. Em cũng chỉ làm tuyển sinh mà thôi. Em cũng phải đi vận động các trung tâm để khuyến khích họ tạo điều kiện cho người khiếm thị vào học. Nhưng thật khó, bản thân người khiếm thị thụ động, trình độ văn hóa chưa cao. Học hết cấp 3 và đại học thì ít. Việc xây dựng một cộng đồng lập trình khiếm thị ở Việt Nam còn hạn chế vì số người theo ngành quá ít. Trong nhóm của em có hơn 50 thành viên thì chỉ có 10 người là biết lập trình, 1 người đủ điều kiện đi làm, còn lại cả nhóm đều không biết lập trình. Mặc dù, họ cũng muốn đi học lập trình nhưng điều kiện và cơ hội của họ không đủ.

Em thấy, dù trong Nam hay ngoài Bắc thì những người khiếm thị ở những thành phố lớn sẽ có điều kiện tiếp cận với giáo dục, việc làm, công nghệ hơn những người khiếm thị ở các vùng nông thôn, tỉnh lẻ, vùng sâu, vùng xa,… một số người khiếm thị trẻ tuổi làm những việc như bán hàng online, chực tổng đài, phục vụ nhà hàng,… đó chỉ là số ít. Những người theo ngành IT ngoài anh Giang ra thì có Anh Nguyễn Văn Dũng và anh Dương Tuấn Nam. Hai anh ấy đang làm cho FPT, anh Dũng thì cách đây 7 năm rồi em cũng không gặp còn anh Nam thì em chỉ biết qua báo chí thôi. Nói trung, đến lúc giải quyết được khó khăn này thì còn xa lắm, lúc đó người khiếm thị ở nước ngoài đạt tới trình độ khác rồi. Ở nước ngoài, người khiếm thị thất nghiệp rất ít. Mặc dù, lương không cao bằng người sáng mắt nhưng ít ra họ vẫn có công việc để làm, vẫn theo đuổi được đam mê mình muốn. Ở Thái Lan các cơ sở hội người khiếm thị còn đào tạo lập trình cho hội viên trẻ nữa. Còn ở Việt Nam thì ngay cả các đơn vị, các cấp hội còn không quan tâm nói chi là người ngoài.

Em sẽ chia sẻ phần mềm này cho mấy anh em nào là dân dev tham khảo ạ, em nghĩ là nó sẽ giải đáp thắc mắc của anh em và có lẽ khi sử dụng nó thì anh em sẽ biết cách làm thế nào để giúp đỡ em thôi ạ: gg drive Hi vọng, đây là tư liệu để anh em tham khảo ạ.

Cậu có thể mô tả phần mềm cậu share được không?
Thường bọn tớ không click vào link mà không rõ trong đó có gì, nên sẽ rất tốt nếu như cậu có thể mô tả rõ hơn bọn tớ nên kỳ vọng gì khi click vào link đó.

1 Like

Bạn kia khiếm thị có lẽ cũng mất thời gian mới trả lời ngay được, thực ra thì @library có thể biết tên phần mềm đó nó chính là như đoạn sau:

NV Access is pleased to announce that version 2021.1 of NVDA, the free screen reader for Microsoft Windows, is now available for download. We encourage all users to upgrade to this version.

Vậy thì, nếu sợ virus, @library có thể thử tải và cài chính gốc theo hướng dẫn này

(Nghĩ thầm: thật ra là tui biết tỏng những thứ tui nói ở trên là thừa thãi với ông @library, có lẽ mục đích ổng muốn blah blah với chủ topic mà thôi, chứ tui đây vào blah blah thì… hẻo :smiley: )

3 Likes

Cảm ơn @superthin nhé! :smile:
Tớ chưa biết phần mềm này. Để tớ ngó qua xem sao :smile:

Lý do em trả lời chậm là do gần đây em bận rất nhiều dự án cộng đồng, và liên quan tới công việc của em nữa. Em là accessibility tester nên em rất ít khi trả lời. Trừ khi thông tin nào giúp ích được em thì em mới nói thôi.

Về phần mềm trên thì là NVda một trình đọc màn hình mã nguồn mở do NVAccess phát triển. Cái này miễn phí nên không như jaws vì jaws cũng là trình đọc màn hình rất mạnh, nhưng mỗi năm phải mất cho nó 95$, và bản vĩnh viễn sẽ mất 1000$. Thế nên, đa phần mọi người Việt Nam không có đủ điều kiện thì dùng bản crack. Tuy nhiên, các công ty ở Việt Nam họ không cho dùng phần mềm crack vì bị sợ kiểm tra gì đó. (cái này em cũng không rõ). Vì vậy, em mới chuyển sang dùng cái này.

Tiếp đến, nó linh hoạt vì có bản chạy portable và hỗ trợ đa ngôn ngữ sẽ hơn jaws rất nhiều. NVDa tương thích tốt với các tools như visual studio, vs code, eclipse, android studio, notepad++,… Hầu hết các ide hay text editor đều tương thích tốt với NVda.
Nếu nói về accessibility thì rất nhiều thứ phải bàn, do nó không phù hợp với chủ đề này nên em không nói ở đây. Cái mấu chốt là em muốn mọi người hiểu rõ bọn em làm việc thông qua việc sử dụng các phần mềm assistive technology để hoàn thành công việc như thế nào.
Ví dụ: trình đọc màn hình. Cái này rất quan trọng với em. Bản em chia sẻ là từ link google drive và để dễ dàng chia sẻ thì em sử dụng link rút gọn để dễ chia sẻ hơn. Bản mới nhất của nó là 2022.1 nhưng do nếu là người Việt Nam thì phải cài thêm một số add-on cho nó. Bản trên đã đóng gói tất cả các add-on cần thiết bao gồm cả script chuyển đổi giọng đọc Anh/Việt. Nếu cài bản gốc thì phải cấu hình mọi thứ theo cách thủ công. Nếu ai không quen sử dụng NVda lâu năm thì sẽ rất khó làm.
Em biết NVDa từ năm 2014, nên tới bây giờ là 2022, thì em biết tới nó là 8 năm rồi. Mọi người ở Việt Nam không biết phần mềm này, nhưng ở nước ngoài thì ai cũng biết tới nó vì nó rất phổ biến, và đang là trình đọc màn hình mạnh nhất ở thời điểm hiện tại. Mặc dù, nó không thể thay thế jaws vì jaws là trình đọc màn hình trả phí, nhưng nó cũng đáp ứng nhu cầu cơ bản cũng như dành cho dân dev.

4 Likes

Theo em nghĩ, người khiếm thị bọn em có thể học lập trình được, chỉ là không có khóa học, tài liệu hay các phương pháp, cách tiếp cận, lộ trình phù hợp mà thôi. để chứng minh cho điều này thì em sẽ đưa ra một vài bằng chứng cụ thể. Tuy rằng, nó vẫn còn có nhiều thứ vô lý nhưng suy đi tính lại thì có lẽ, nó sẽ hợp lý:

  • Để làm cho những ứng dụng thân thiện với người khuyết tật thì chỉ có người khuyết tật mới làm được và người không khuyết tật không thể làm được, nếu có làm được thì phải nghiên cứu rất mất thời gian. Đồng thời, họ cũng phải tìm hiểu từng dạng tật một để tối ưu sản phẩm sao cho phù hợp với đối tượng đó. Ngoài ra, để nó có thể accessible thì cần phải có kiến thức sử dụng các assistive technology và hiểu được pháp luật của từng quốc gia về việc tiếp cận thông tin với người khuyết tật. Nói trung, việc hiểu sâu về đặc thù của từng dạng tật và cuộc sống hàng ngày của họ là rất quan trọng. Nó đánh giá được nhu cầu sử dụng công nghệ cũng như việc ứng dụng accessibility đối với một số quốc gia là luật pháp. Việc vi phạm tiêu chuẩn wcag cũng làm cho người dùng khuyết tật sẽ khó khăn hơn trong việc truy cập tài nguyên trên internet. Để giải quyết được điều này, bản thân mỗi người trong một dạng tật phải đóng vai trò trung gian để giúp cho khách hàng của mình dễ tiếp cận với sản phẩm đó mà không gặp bất kì rào cản nào. Dù cho họ có khiếm khuyết thì nhu cầu việc làm cũng rất quan trọng. VÍ dụ: họ sử dụng các phần mềm như screen reader và bản thân những người bình thường bắt buộc phải hiểu những thứ đó.
  • Thực tế, có rất nhiều người khiếm thị ở nước ngoài đã theo ngành và rất thành công. Ở VIệt Nam có anh Nguyễn Hoàng Giang cũng là một người khiếm thị thành công với ngành đó.
  • Hai điều trên thì rất khó có thể thuyết phục nhưng điều này sẽ dễ hơn: bản chất các phần mềm như screen reader cũng do người khiếm thị phát triển chứ nếu do người sáng mắt làm thì họ cũng đã biết nhiều về nó, họ cũng phải biết sử dụng nó chứ không cảm thấy bối rối như hiện tại. Chỉ có người khiếm thị làm ra nó thì họ mới nghĩ ra các cơ chế đặc thù như các tổ hợp phím tắt hay cử chỉ. nếu để cho người sáng mắt làm thì họ sẽ không biết phải làm thế nào để giúp người khiếm thị sử dụng các phần mềm đó. Đó là quan điểm cá nhân của em nên sẽ có sai sót. Nếu mọi thứ đi đúng hướng thì bản thân em sẽ rất vui khi mọi người tải phần mềm đó về sử dụng thử để hiểu rõ vấn đề mà em đề cập trong topic này. Thực ra, bài post của em đã quá dài dòng mà không thể giải quyết nhu cầu của bản thân nên có lẽ, mọi thứ mà người khuyết tật gặp phải sẽ khó có thể giải quyết khi họ không thể có việc làm theo ý muốn, không thể theo đuổi những gì mình thích càng không thể theo kịp mọi thứ. Khi mà công nghệ càng phát triển thì người khuyết tật ngày càng bị tụt hậu nhất là người khiếm thị. Vì vậy, nếu nói là không để ai bỏ lại phía sau là một giấc mơ không thể thực hiện. Tuy nhiên, các nước tư bản có thể thực hiện điều đó nhưng nó vẫn không cứu vãn được tình hình hiện tại. Họ vẫn phải làm những việc thủ công và không có cơ hội được tiếp cận với các công việc ở thế kỉ XXi. Em biết là gần đây có một vài công nghệ no code, low code nhưng nó thực sự làm em thất vọng vì nó không accessible. Thế nên, để bọn em có thể thực hiện ước mơ của mình là một điều gì đó chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng, sẽ mãi không thể thành sự thật nếu như công nghệ không chờ đợi người khuyết tật mà nó vẫn cứ mãi phát triển chóng mặt.
1 Like

Chào mọi người

Em chia sẻ cho mọi người một video tổng kết khóa học lập trình cho người khiếm thị đầu tiên ở Việt Nam do htecom phối hợp với vietnet ict tổ chức bản thân em cũng cộng tác tham vấn cho khóa đó, em nghĩ là nếu các trung tâm mà học hỏi áp dụng mô hình này để đào tạo thì bọn em sẽ bớt khó khăn hơn: https://www.youtube.com/watch?v=A6GiGgBxwnw
Em cũng chia sẻ thêm là có bạn Thee Quinn là một web developer khiếm thị người Jamaica, bạn ấy rất thành công trong mảng này, đây là website của bạn ý, mặc dù là web tĩnh nhưng nó vẫn đáng tham khảo ạ:
https://theequinn.vercel.app/

4 Likes

Mình không có gì để đóng góp vào thảo luận này, chỉ muốn nói là mình rất khâm phục khả năng của bạn. Chúc bạn thành công.

3 Likes

Cảm ơn anh, nếu cơ hội có nhiều thì khó khăn của em sẽ giảm bớt hơn nhiều. Em cũng tin là mọi thứ sẽ ổn.

2 Likes
83% thành viên diễn đàn không hỏi bài tập, còn bạn thì sao?