Người mới học lập trình cần biết – Phần 2 – Học lập trình thông qua thảo luận

Là một lập trình viên chuyên nghiệp Đạt tích lũy được kinh nghiệm lập trình thông qua nhiều năm tự học và làm việc. Quá trình tự học đó kéo dài, nhưng chung quy lại việc học lập trình bao gồm các quá trình tìm hiểu(1) => thắc mắc(2) => hỏi(3) => thảo luận(4) => hiểu(5) => thực nghiệm(6) => hướng dẫn ngược trở lại(7).

Khi đạt đến bước (3)hỏi thì bạn đã thở phào nhẹ nhõm, pha một ly cafe rung đùi chờ câu trả lời được rồi chứ. Nhầm to rồi, không có gì là miễn phí cả. Hãy tiếp tục bằng cách thảo luận(4).

Bạn hãy tự hỏi vì sao có người giỏi hơn bạn, biết nhiều hơn bạn, làm nhiều hơn bạn, có ít thời gian hơn bạn lại dành thời gian trả lời câu hỏi cho bạn?
– Vì trả lời họ nhận được tiền từ ai đó? Nếu điều đó có thật thì có lẽ 1 tỷ like trên facebook sẽ giúp Việt Nam thành nền kinh tế phát triển nhất thế giới.
– Vì họ có nghĩa vụ và trách nhiệm phải trả lời câu hỏi? Nếu điều đó có thật thì có lẽ điều ở trên đúng.
– Vì bạn đẹp trai, đẹp gái, bạn nổi tiếng, bạn lịch sự, bạn tốt bụng? Nếu bạn tin vào điều này thì có lẽ bạn nên tắt máy và đi ra ngoài cho tỉnh táo đầu óc một tí :)
– Vì bạn gãi đúng chỗ ngứa của họ, tức là bạn đặt ra một câu hỏi thú vị, câu hỏi làm cho họ “sướng” khi giải quyết được. Nếu bạn tin vào điều này thì bạn đã đúng và nên đọc tiếp

Tất cả những người giỏi và sẵn sàng giúp bạn bởi vì họ thấy câu hỏi của bạn hay, thú vị và đáng quan tâm. Việc trả lời câu hỏi và thảo luận với bạn sẽ giúp họ biết thêm một kiến thức mới. Nếu không có bạn hỏi, không ai thúc đẩy thì họ sẽ không biết và không bao giờ biết tới vấn đề đó. Vậy trả lời câu hỏi cho bạn, khiến họ có lợi. Nhắc lại câu nói ở trên “không có gì là miễn phí cả”. Quay trở lại câu hỏi ở bài trước, Đạt là người trả lời câu hỏi đấy. Đạt trả lời mặc dù Đạt không làm Java và cũng không biết câu trả lời. Nhưng Đạt nghĩ đây là một vấn đề có thể nghiên cứu và trả lời được, sau khi trả lời xong thì Đạt biết thêm, tại sao không thử?

Suy luận một tí bạn sẽ hiểu được tại sao một câu hỏi được quan tâm nhiều và một câu hỏi không ai thèm đọc. Được quan tâm nhiều tức là nó là một câu hỏi rõ ràng, thú vị. Không ai đọc một “bài tập” từ trên trời rơi xuống vì chả ai thích bài tập cả. Ai cũng thích chứng minh họ giỏi và thông minh nhưng chả ai thích làm bài tập, mà lại là làm bài giúp cho người khác. Ai thích làm bài tập thì bỏ qua đoạn này nhé :)

Vậy làm sao để “dụ dỗ” và “kích thích” người khác trả lời không công cho mình? Bạn phải làm cho câu hỏi của bạn trở nên “hấp dẫn” bằng cách bổ sung thông tin rõ ràng, đầy đủ và ngay lập tức khi “họ” hỏi lại bạn. Ví dụ một câu hỏi khác cũng khá là “tệ” nhưng người hỏi đã “dụ dỗ” được Đạt và người khác thông qua việc cung cấp thông tin đầy đủ và nhanh khi được hỏi “thí chủ có hình không?”.

Đây là hình thể hiện cái bạn đấy muốn làm, đủ rõ để Đạt hiểu bạn đấy muốn gì.

Những việc cần nhớ trước khi post thảo luận:
– Không cần thiết phải post “cảm ơn”, “thanks”, “hay quá” hãy like cho câu trả lời bạn thỏa mãn.
– Hãy thông báo cho cho người trả lời rằng bạn đã làm được, bạn đã hiểu vì sao không làm được, nêu ra lý do tại sao bạn không hiểu trước đây và sau đó hãy cảm ơn. Điều đó giúp người được trả lời vui hơn là nhận được câu “cảm ơn”. Những người khác đọc bài cũng hiểu được vấn đề, bạn cũng hiểu sâu hơn và lần sau sẽ không phải đặt câu hỏi tương tự.
– Đừng post những comment vô nghĩa, “hihi”, “ai giúp mình với”, “up”, “tem”, “mình cũng thắc mắc giống vậy”.
– Nếu bạn có cùng thăc mắc, hãy like và share câu hỏi đó lên facebook, qua email, chat, để nhiều người biết hơn.
– Đừng lái topic sang chủ đề khác, tập trung vào một và chỉ một câu hỏi. Khi câu hỏi được giải quyết xong. Hãy tạo topic mới để đặt câu hỏi mới. Nhớ rằng chỉ làm một việc và làm cho tốt.

5 Likes

Cảm ơn anh, bài viết của anh đáng để cho người đọc phải suy nghỉ

1 Like
83% thành viên diễn đàn không hỏi bài tập, còn bạn thì sao?