Mình hỏi 1 câu là “Bạn có thích là CNTT mà không quan tâm nó có kiếm được tiền hay không?”. Nếu câu trả lời là Yes, thì bạn mới nên đi học, khoá ngắn hạn, dài hạn, trung cấp, cao đẳng, đại học gì cũng được.
Còn nếu câu trả lời là No, rồi kèm “nhưng mà thấy nó có thể giúp kiếm tiền… dạng gì đó kiểu hơi có vẻ… việc nhẹ, lương cao so với những ngành nghề liên quan kỹ thuật khác”. Thì đây không phải là lựa chọn khi bạn học IT.
Hồi đó mình đi làm nhân viên văn phòng, mình vọc IT bởi vì mấy cái dự án liên quan đến CNTT chỗ mình làm nó cứ làm mình điên vì phải đánh máy, chuẩn bị tài liệu suốt mà chả hiểu nó là cái quái gì. Thế là mình tự học, và học để xem nó là cái quái quỉ gì chứ chẳng bao giờ nghĩ phải học nó để kiếm tiền, và cứ học như vậy cho đến ngày khi trình chiếu PowerPoint tại hội nghị thì máy hỏng, đó là lúc “giọt nước làm tràn ly”, mình phải xắn tay áo lên và xử lý “Màn hình xanh chữ trắng BSOD ám ảnh”, để rồi sau đó thì bắt đầu sự nghiệp ở vị trí… kỹ sư hệ thống (thực ra người ta đang thiếu người, thấy một gã đang tò mò thò đầu vào với sự tò mò cao độ, nên điền tên đại vô cho có, và không ngờ gã cũng làm không bị lộ ra tí nào
- làm mình nhớ đến phim Catch Me If You Can) một cách hết sức tình cờ, vài lần đi đánh thuê như vậy mới nộp đơn xin việc thật. Nếu gom tổng thời gian lại thì mình học chắc cũng phải 3,5 năm mới có công việc đầu tiên về IT, với thời lượng mỗi tối mình ngồi cọc cạch 2,5 tiếng bền bỉ, 6 tuổi 1 tuần (tối thứ 7 dành hẹn hò nước mía). Nhưng mà cũng bật mí là mình cũng yêu thích IT kiểu điếc không sợ súng, không hiểu được sự khó dễ khi mới bắt đầu nên vào lúc mình bắt đầu học thì mình rất hay đi dạo ra phố vi tính Bùi Thị Xuân + Tôn Thất Tùng và mò cả lên công viên phần mềm Quang Trung để tham dự các hội thảo, mặc dù chả hiểu người ta nói quái gì. Rồi còn làm thầy bói dự đoán về ngôn ngữ lập trình web nào có triển vọng, như ở đây.
Hơn nữa, để học & làm IT cho ra hồn một chút, tiếng Anh của bạn cũng phải ổn (tức là nếu thi TOEIC phải cỡ 600 trở lên, IELTS 4.5 trở lên). Nếu tiếng Anh chưa ổn thì học song song, còn không thì có sau 2 năm vẫn không đi đến đâu, công việc cũng khó mà sáng sủa được, thu nhập có lẽ không hơn shipper.
Nếu thực sự yêu thích, mỗi ngày bạn phải dành tối thiểu 4 giờ để học, đều đặn như vậy suốt khoảng 2 năm, ngày nào học ít hơn 4 tiếng xem như đang bơi ngược sông mà quên nhịp.
Đi học ở trường thì bài vở phải hoàn thành, phải tương tác tốt với thầy cô giáo và bạn học, còn nếu có tính tự kỷ, ít giao lưu học hỏi thì cũng rất là lâu tiến bộ.
Ngoài ra, cách học hay ho nhất mà mình thấy đó là "bạn chỉ hiểu vấn đề khi bạn tháo tung nó ra’ (vấn đề ở đây có thể là cái máy tính, một giải thuật Quicksort chẳng hạn, hoặc đang làm trang web thì cũng phải suy nghĩ kiểu: trang web mình làm thử buộc người dùng cuộn chuột từ dưới lên trên thì có được không?). Rồi có dừng ở đó không? Không nhé, qua thời gian ta phải biết Quicksort có người (anh ta tên là Vladimir Yaroslavskiy) cải tiến nó, được biết đến như là Dual-Pivot Quicksort, ta cũng thử xem qua và mở trình soạn code lên thử gõ lại, cài đặt lại bằng ngôn ngữ ta đang dùng xem sao.
Ở tuổi 24 thì có gì mà không khả thi, mình đến tròn 30 tuổi mới bắt đầu học và đi làm. Tuy nhiên, mình thích, mình có bày biện sách học và thiết bị thực hành (mình tự học cả phần cứng và chút ít về máy tính) ra khắp căn phòng, và vật vã với nó mỗi đêm. Khi thấy có vẻ đã đủ năng lực để xin việc thì mình gửi email cho nhiều công ty, ước tính khoảng gần 40 công ty, CV trình bày với họ là mình chẳng có bằng cấp gì về IT, cứ phỏng vấn thấy được cái gì thì cho vào làm. Rồi cũng có công ty gọi phỏng vấn, có tuần 3 nơi phỏng vấn và rớt cả 3.
Kết luận: thích thì cứ học thôi, kết quả sẽ đến như một hậu quả mà bạn không cần phải lo nghĩ gì, học chăm chỉ mới là điều nên lo nghĩ. Còn để kiếm cơm, thì phải làm một số bài trắc nghiệm nghề nghiệp, nói chuyện với mẹ xem hồi nhỏ mẹ thấy bạn có thể làm được gì, thực hiện phân tích SWOT để tìm ra lợi thế của bản thân để mà tập trung vào đó trong cuộc cạnh tranh bán sức lao động/ chất xám.