Dừng việc học của bạn lại khi bạn chưa trả lời câu hỏi “Bạn định học về ngành CNTT để làm gì?” Nếu không / chưa trả lời được cụ thể chính xác cái định làm thì ít ra bạn cũng phải hình dung được bạn sẽ làm gì hoặc mong muốn làm gì với những cái mà bạn sẽ học được.
Còn không thì giống như việc bạn cứ cắm đầu cắm cổ bơi, nhưng bơi vòng tròn một chỗ hoặc lạc vào mê cung “đốt khúc cửu linh” đi loanh quanh cuối cùng về lại chốn cũ.
Nếu bạn không có câu trả lời cho câu hỏi trên, mình e rằng bạn sẽ lại mất 5 năm nữa giống như bạn đã từng theo kiến trúc và rồi lại bỏ. Nhìn lại, đầu hai thứ tóc mất tiêu.
Kinh nghiệm của mình để bạn có thể tham khảo:
Khi mình bắt tay học CNTT (mình tự học 100% ngoài tin học văn phòng hồi học phổ thông là buộc phải học vì tính điểm) là lúc đó mình học trường về khoa học xã hội, gái đẹp rất là nhiều nhưng mình thì chẳng biết đàn, không biết hát, đéo biết đá bóng hay có cái tài lẻ nào để mà có thể tán tỉnh mấy bạn gái học cùng trường hết. Sau vài đêm chổng đít lên trời nằm nghĩ ngợi, mình phát hiện ra rằng mình có thể tiếp cận được với các bạn nữ bằng cách chui vào phòng máy tính của trường và biểu diễn gõ bàn phím 10 ngón. Và từ đó mình hăm hở đi học CNTT với mục đích là đánh máy được 10 ngón, mục tiêu mình lúc đó là như vậy. Như vậy, bạn có thể thấy là mong đợi của mình làm gì với CNTT: đầu tiên là học đánh máy được 10 ngón, và dùng nó để tiếp cận các cô gái. Mục tiêu của mình lúc đó hơi buồn cười nhưng rất cụ thể và mình đã tự nâng cốc chúc mừng mình khi làm được (đã miệt mài đúng 22 ngày, mỗi ngày 30 phút tập đánh máy - vài ngày trước đó thì ngồi vẽ lại bàn phím trên máy để học thuộc vị trí phím, và cố hình dung nó khi mình sắp đi ngủ).
Qua thời gian, khi đã đánh máy 10 ngón rồi thì cơ duyên thúc đẩy mình dấn sâu hơn vào CNTT: một lần mình đi mua vòng hoa tang trên đường Bùi Thị Xuân , Q.1 - Sài Gòn, vô tình vào nhầm cái tiệm bán đĩa của chú Lê Hoàn. thì thấy có một ông chú gầy còm - mình gầy hơn chú nên thích thú nhìn chú - ngồi căng mắt với những dòng chữ gì đó trên một màn hình “mật mã Da Vinci”, mình mới tò mò hỏi chú làm gì. Và từ đó mình được giải thích về PHP (lúc đó còn tưởng PHP là viết tắt của chữ Phạm Hồng Phước - là tên một người bạn của chú). Wow, rồi thì mình đi mua sách cũ và học PHP. Vọc PHP thì thuê hosting, dính đến Linux, và lại học học và học. Đến giờ thì mình chẳng có tốt nghiệp cái trường CNTT gì ráo nhưng cũng có thể tự viết được cái CMS và thuê một hosting VPS Linux giá rẻ để dựng nên và chạy chơi, cũng có thể kiếm cơm bằng việc đi dạy sử dụng máy tính và smartphone chạy Android cho mấy cụ già.
Còn lời khuyên của mình là nếu tay ngang bước tay vào nghề CNTT sẽ khó tiến được xa nếu không có nền tảng vững như bàn thạch được xây dựng từ đam mê thuở bé như Dương Vi Khoa, Nguyễn Khánh Ánh Hoàng, Dương Đăng Trúc Khuyên. Cách để có thể kiếm cơm được là học được lập trình web là gì rồi xin đi làm quản trị trang web cho một doanh nghiệp, rồi nghề chỉ nghề sẽ có thể kiếm cơm được. Còn nếu có tố chất có thể làm sysadmin hay full stack developer. Việc dấn thân vào lĩnh vực phần mềm với vai trò là nhà phát triển thì không khuyến khích với những bạn đã trên 21 tuổi mà chưa từng lập trình được phần mềm nho nhỏ nào.