Các cơ quan nhà nước và công ty đang thiếu nguồn nhân lực CNTT cả trong hiện tại và trong những năm tiếp theo, nhưng các thí sinh lại ít “mặn mà” với ngành này. Những thí sinh yêu thích và mong muốn làm việc trong lĩnh vực hoàn toàn có thể yên tâm về “đầu ra” khi nhu cầu nhân lực ngành này đang là vấn đề nan giải.
Tập đoàn viễn thông Viettel cho biết, hiện nay có khoảng 700- 800 lập trình viên phục vụ cho nhu cầu nội bộ, đến năm 2015 dự kiến cần khoảng 5.000 lập tình viên cho chương trình mở rộng mạng và hợp tác nước ngoài với số vốn đầu tư lên đến 10 tỷ đồng.
Đại diện FPT, ông Phan Lương Đạt cho biết trong năm nay cần tuyển dụng khoảng 1.540 lập trình viên và khoảng 10.000 lập trình viên trong giai đoạn 2011- 2015. Công ty dự tính sẽ có khoảng hơn 12.500 nhân viên và doanh thu 280 triệu USD vào năm 2015.
CMC cũng đặt mục tiêu đạt doanh thu tới 1 tỷ USD, trong đó có 200 triệu USD từ phần mềm và có khoảng 10.000 nhân viên vào năm 2015. Trong khi đó, nhiều công ty nước ngoài gần đây đã mở trung tâm phát triển phần mềm tại Việt Nam để tận dụng lợi thế nhân lực giá rẻ. Tập đoàn HP vừa nhận giấy phép xây dựng trung tâm phần mềm và dịch vụ toàn cầu tại công viên phần mềm Quang Trung ở TP.HCM với dự tính tuyển dụng khoảng 1.000 lập trình viên trong một hai năm tới. Cuối tháng 2 vừa qua, công ty Aricent của Mỹ cũng đã khai trương trung tâm phát triển phần mềm tại TP.HCM và có nhu cầu tuyển khoảng 300 kỹ sư phần mềm trong năm 2011.
Bộ TT&TT ước tính trong vòng 5 năm tới, các doanh nghiệp CNTT trong nước có nhu cầu tuyển dụng 411.000 người có trình độ chuyên môn về CNTT, điện tử và viễn thông, trong đó có 217.000 người trình độ cao đẳng và đại học và 194.000 người trình độ trung cấp. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cũng cần khoảng 15.000 người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên về CNTT để tham gia triển khai các dự án ứng dụng CNTT.
Tính đến cuối năm 2009, cả nước có hơn 226.000 người làm việc trong các công ty phần mềm, phần cứng và viễn thông, trong đó phần cứng có 121.000 người, phần mềm có 64.000 người và nội dung số là 41.000 người.
Nguy cơ khủng hoảng thiếu nhân lực CNTT
Mặc dù ngành CNTT đang có triển vọng phát triển khá sáng sủa nhưng thị trường đào tạo nhân lực CNTT lại có xu hướng ngược lại, số thí sinh dự thi vào ngành này giảm dần trong vài năm gần đây.
Phát biểu tại hội nghị với các cơ sở đào tạo CNTT tại trụ sở Bộ TT&TT vào ngày 18/3 vừa qua, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường đại học FPT ước tính số lượng người học CNTT đã bắt đầu giảm dần từ năm 2008, trung bình mỗi năm giảm 10-15%. Với chu kỳ đào tạo 4 năm, ông Tùng cho rằng đến năm 2014, thị trường CNTT sẽ nhận thấy rõ sự thiếu hụt nhân lực.
Thậm chí, ngay cả dựa theo chỉ tiêu tuyển sinh với quy mô đào tạo tăng 10% mỗi năm, Bộ TT&TT dự báo nhiều khả năng ngành CNTT sẽ thiếu nhân lực trong vài năm tới nếu không có sự tăng trưởng đột phá của các cơ sở đào tạo. Theo Sách trắng về CNTT-TT năm 2010, cả nước hiện có 271 cơ sở đào tạo về CNTT với quy mô đào tạo 50.000 chỉ tiêu trong năm học 2008-2009 và 56.000 chỉ tiêu trong năm học 2009-2010.
Với tình trạng nguồn nhân lực CNTT đang giảm mạnh như hiện nay, bộ TT&TT sẽ phải vào cuộc để giải quyết vấn đề nhân lực ngành CNTT:
Tại hội nghị với các cơ sở đào tạo CNTT vào ngày 18/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp khẳng định Bộ TT&TT sẽ đứng ra làm đầu mối về vấn đề nhân lực CNTT và sẽ có kiến nghị với chính phủ sớm có các giải pháp cho vấn đề nhân lực CNTT.
Sau hội nghị này, Bộ trưởng cho biết Bộ TT&TT sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý để kiến nghị lên chính phủ có chính sách, cơ chế tháo gỡ khó khăn cho vấn đề đào tạo nhân lực CNTT: trao quyền tự chủ lớn hơn cho các trường; có chính sách tài chính hỗ trợ người dạy và người học về CNTT; tăng cường sử dụng giáo trình nước ngoài và dạy tiếng Anh trong đào tạo CNTT; thay đổi tuyển sinh đầu vào từ toán, lý và hoá sang toán, lý và Anh văn với ngành CNTT; tăng cường xã hội hoá đào tạo CNTT và đẩy mạnh liên thông, liên kết giữa các cơ sở đào tạo với nhau và giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đứng ra làm đầu mối thành lập Hiệp hội các trưởng đào tạo CNTT để tăng cường sự liên kết và hợp tác giữa các trường, các khoa đào tạo nhân lực CNTT trên cả nước để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Hiệp hội này cũng sẽ là đầu mối tập hợp các kiến nghị liên quan đến việc cải thiện chất lượng đào tạo nhân lực CNTT của các trường để gửi tới chính phủ cũng như các cơ quan quản lý liên quan.
Tại hội nghị, hầu hết các cơ sở đào tạo CNTT đồng tình với đề xuất thành lập hiệp hội của các tổ chức đào tạo CNTT để trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, xây dựng giáo trình và bồi dưỡng cán bộ đào tạo. Các đại diện của các cơ sở đào tạo CNTT dự hội nghị cũng nhất trí thành lập ban vận động thành lập Hiệp hội các trường đào tạo CNTT gồm đại diện là hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ (thuộc ĐHQG Hà Nội), Học viện CN Bưu chính Viễn thông và Đại học FPT.
(tin tổng hợp)