26 tuổi có nên học theo lộ trình này không?

Chào mọi người :grinning:
Mình năm nay 26 tuổi, mình có dự định học lập trình để lập trình web (mình học trái ngành ạ). Trước mình có tìm hiểu về ngôn ngữ lập trình Python, vì thấy mọi người đánh giá là Python dễ học, tối giản cho người mới bắt đầu, hơn hết là tương lai Python sẽ rất phổ biến vì nó liên quan đến AI, máy học. Mình có mua sách để tự tìm hiểu những cái cơ bản nhất rồi mới đăng ký khóa học nhưng lại cảm giác hiểu chưa được sâu, bản chất vấn đề. Vì vậy mình có lên mạng tìm hiểu thì một số bạn bảo nên học ngôn ngữ C để biết được cốt lõi của lập trình. Sau đó muốn lập trình web thì học thêm Java, php. Mọi người cho mình hỏi là với độ tuổi như mình có nên học C -> Java không hay trực tiếp học Java luôn. Thực sự là mình muốn biết những thứ cơ bản trước nhưng mà thấy nhiều bác bảo 26 tuổi mới học là quá muộn rồi vì học xong cũng phải mất một thời gian mới đi làm được. Hiện mình đang học free trên youtube của thầy giao-lang về ngôn ngữ C, thấy thầy dậy khá kĩ, hay và dễ hiểu. Mọi người cho mình hỏi thêm là mình có nên đăng ký học ngoài trung tâm hay nên tự học ạ. Sorry mọi người, mình ko giỏi diễn đạt lắm nên có thể viết hơi lộn xộn. Mình cảm ơn mọi người nhiều

theo bạn thì như thế nào là sâu? bản chất vấn đề là gì, bạn hãy ví dụ xem
hoặc bạn đã dựa vào đâu để khẳng định đều này

không có gì gọi là nên hay không nên ở đây cả, chưa kể bạn đã tìm thấy nguồn “hay và dễ hiểu” thì có gì để phân vân nữa?

theo tâm lý mà nói, có lẽ là bạn đang muốn “đẩy nhanh” sự học tập
thông qua những quảng cáo ở mấy trung là đi làm được sau vài tháng, thì bạn đang muốn xuống tiền mà đi học, nhưng lại không biết là có thật sự tìm được việc sau khi đi học hay không, sợ bị mất tiền mà không chất lượng
đi tìm sự ủng hộ, động lực để xuống tiền

vậy thì câu trả lời cũng chỉ mang tính chất ủng hộ việc bạn xuống tiền để học mà thôi

2 Likes

Bạn có thể tìm kiếm khóa học, hoặc tài liệu liên quan tới các từ khóa sau:

  • Kiến trúc máy tính (Computer Architecture)
  • Trình dịch (Compiler)
  • Nguyên lý ngôn ngữ lập trình (Principle of Programming Language)

Không nhất thiết phải học C để hiểu những vấn đề trên, nhưng người biết C sẽ dễ hiểu mấy vấn đề trên hơn. Nếu bạn có ý định học lập trình Web thì đừng tốn thời gian học C hay Java thêm, vì thời gian của bạn có hạn. Sau khi bạn đã nắm tương đối 3 thứ ở trên thì có thể đi sâu vào lập trình web được rồi.

Chúc bạn thành công.

4 Likes

Mình trên 30 tuổi mới học lập trình, sau hơn 3,5 năm đi làm ở công ty CNTT (tổng hành trình mất 12 năm cả thảy, ban đầu chủ yếu là phần cứng & mạng, sau này mới lập trình) mà không có bằng cấp gì về IT.

Kinh nghiệm của mình (và nhìn quanh các đồng nghiệp, người quen,… ) cho thấy 1 người lớn không còn ở độ tuổi được gia đình/ người thân nuôi ăn học như các bạn học sinh, sinh viên thì phải tiếp cận vấn đề theo cách khác: dùng ngôn ngữ lập trình để làm việc, giải quyết vấn đề cuộc sống. Tránh đi hướng của học sinh, SV (học để nắm vững nền tảng về khoa học máy tính, thành thạo ngôn ngữ, thuật toán các kiểu rồi mới đi kiếm việc) vì hướng này người lớn không có lợi thế, nếu không muốn nói rằng thất bại 95,7%.

Cách khác đang bàn đây là sao? Là dùng ngôn ngữ lập trình để giải quyết vấn đề cần giải quyết, thực hành việc học thông qua làm/ giải quyết vấn đề. Nếu một người không tự nhận thấy vấn đề/ bài toán nào cần giải quyết bằng máy tính, bằng phần mềm mà anh ta định viết, e rằng lập trình là cái gì đó ở thế giới khác, anh ta đừng cố bám víu làm gì, cố đấm ăn xôi vì nghe nó mang lại thu nhập cao là việc rất ngốc xít, theo ý mình thôi nhé.

Bạn hãy để ý mà xem, có một số lập trình viên nổi tiếng trên thế giới (dạng tự học) kể lại chuyện ngày xưa làm sao đến với lập trình thì thấy rằng họ cần xử lý cái gì đó, họ không mê lập trình vào lúc ban đầu, cũng không biết gì về thu nhập của một người viết code. Có ông thì thấy bạn gái/ vợ cực khổ trong một số công việc, có ông thì con không có game để chơi, ông thì cảm thấy ở chỗ làm giải quyết việc bằng giấy tờ quá mệt… hoặc có những bạn trẻ đơn giản là kiếm tiền tiêu vặt khi còn là học sinh vì đi làm thêm rửa xe hoặc bưng bê gì đó là chưa đủ tuổi để làm.

Còn nếu chủ topic định học theo kiểu học sinh, sinh viên sẽ rất gần con đường… bỏ cuộc trừ khi có một cô vợ thuộc loại “mái nòi cụ tổ” nuôi ăn học như mấy nhà Nho ngày xưa, còn thì rụng rơi tả tơi hoa lá cả. Lý do: bắt đầu vô học lập trình kiểu của SV kể cả đến lớp/ mời gia sư đi nữa cũng nghe như vịt nghe sấm, não không tài nào tiếp thu được trừ khi lâu nay đã làm lập trình rồi (hoặc đang là những người làm nghề rất gần gũi với lập trình: thầy giáo toán, nhà vật lý, kỹ sư thíết kế phần cứng máy tính) nhưng không có kiến thức nền tảng muốn củng cố.

Mình đã kèm một số bạn không biết gì về lập trình, muốn học để đi làm sau (họ ước chừng học dưới 1), kiếm việc rồi mới tuỳ điều kiện mà học thêm lên, nhận thấy sự mơ mộng đó sẽ như sau:

  1. 80% bỏ cuộc: những bạn không có căn bản máy tính, khi mình khuyên rằng cần phải tự trang bị căn bản về máy tính đi, sử dụng Windows, Linux cho ngon hơn dân văn phòng bình thường đi,… thì đám này cũng không biết làm sao để sử dụng Windows cho thành thạo. Windows bị lỗi không cài được phần mềm thì xem như học lập trình là thứ vô ích.
  2. Những bạn học được không cần phải bảo họ làm như thế nào, mà mình chỉ bảo họ làm gì, và cung cấp cho một số giáo trình cần tham khảo và họ rất siêng, có thể họ làm không thành công nhưng nỗ lực hết sức, làm được hơn 50% bài tập mình giao cho. Một số bạn còn tự nghĩ ra thứ tương tự để giải quyết.
  3. Những bạn thường hay xin lộ trình đã bỏ cuộc hết. Điều này khá giống câu chuyện rơi xuống nước không tranh thủ thời gian bơi mà cứ loay hoay suy nghĩ xem bờ ở hướng nào để bơi về hưóng ấy, kết quả anh ta… chết chìm. Còn những người khác họ cứ bơi, bao giờ vô đến bờ thì vô, rồi họ lại được vớt, sống sót.
  4. Một số bạn nói dối: họ khoe rằng him/ her học lập trình 8 tiếng/ ngày như người đi làm, nhưng mình hỏi code đâu gửi mình xem thử thì lúc đó mới chống chế bằng cách copy đâu đó trên mạng gửi cho mình xem, họ nghĩ mình là thằng ngốc chắc? Những người như vậy không bao giờ có thể học đến mức đủ thuộc syntax, hiểu về thuật toán, dữ liệu chút chút có thể viết được phần mềm bởi vì tự lừa dối bản thân, và lười biếng.’
  5. Tiêng Anh đọc hiểu kém (tối thiểu phải cỡ TOEIC 650 trở lên hoặc IELTS 5.5 và không ngại đọc tiếng Anh - ở đây không nói các em SV học chính quy) thì học lập trình cũng chẳng để làm gì, khác nào làm toán không thuộc bảng cửu chương.
6 Likes

cảm ơn những lời khuyên hữu ích từ anh ạ. Hì hì em là con gái, hiện đang làm SEO web muốn chuyển hẳn sang học lập trình để có thể làm freelancer ở nhà. Hiện cũng ko thể nghỉ việc hiện tại ở công ty để học full thời gian được. Vì nó còn liên quan đến câu chuyện kinh tế. Nên chủ yếu em vẫn tự học ở nhà, em có mua sách về lập trình Python để tự học rồi, tham khảo diễn đàn thì hầu hết mọi người hay nói là nên học lập trình C để hiểu những thứ căn bản đã sau đó học Python sẽ dễ học hơn, có người thì bảo học lập trình web thì nên học Javascript. Rồi có người thì bảo nếu chưa hiểu những cái căn bản nhất mà học luôn vào một ngôn ngữ thì chỉ giống như em đang học vẹt và ko hiểu bản chất vấn đề là gì. Vì vậy mà em chưa biết nên đi theo lối nào mà hiệu quả rút ngắn được thời gian nhất ạ.

1 Like

Cảm ơn bạn đã đưa ra lời khuyên cho mình, thật ra như bạn nói là mình muốn đẩy nhanh sự học tập. Đúng là như vậy vì mình 26 tuổi rồi, nếu mình chậm trễ thì cơ hội làm việc của mình thấp hơn. Có thể cách diễn đạt của mình hơi rối khiến bạn hiểu nhầm. Mình tự học trên youtube, thầy dạy từ những cái cơ bản nhất nên mình rất thích vì mình nắm được những cái căn bản nhất. Cái mình đắn đo là nếu mình học theo lộ trình như thầy hướng dẫn ( C -> JavaOOP -> Database, Introduction to Software) thì có ổn với một người 26 tuổi như mình không? Mình nên học theo từng bước từ căn bản rồi đến nâng cao. Hay mình nhảy cóc học luôn vào một ngôn ngữ lập trình để có thể lập trình được web luôn để kịp có được cơ hội việc làm. (Bởi mình xem một số theard trên dev_chat, một số bạn nói rằng nếu ko biết cơ bản thì mình chỉ như một người thợ code mà ko hiểu gì về code sau rất khó để có người hợp tác hay giao cho mình dự án). Cái đó mới là cái làm mình phân vân nhiều. Thời gian học của mình ít vì mình vẫn vướng công việc ở công ty, hiện tại mình chưa muốn bỏ toàn bộ công việc hiện tại để đi học lập trình bởi công việc chính vẫn đang là cái cần câu cơm của mình và gia đình. Đích đến cuối cùng vẫn chỉ là muốn hỏi mọi người một lộ trình hiệu quả nhất với người ở độ tuổi như mình. Phương pháp nào cũng được, tự học hay học tại trung tâm cũng được miễn sao mình có thể dần dần chuyển hẳn sang làm lập trình là vui rùi.

1 Like

Mình cảm ơn lời khuyên từ bạn ạ

1 Like

nếu mình chỉ đọc reply này của bạn, thì có vẻ như cũng không có vấn đề gì
nhưng rõ ràng mình đọc ở trên thì thấy bạn đặt ra vấn đề học lập trình để làm freelance

để làm được freelance, bạn lập trình tốt (ở đây mình xin nhấn mạnh là tốt chứ không phải giỏi) thì đó cũng chỉ là điều kiện cần
bạn còn phải có một network đại khái, hoặc đại loại là đủ “uy tín” thì mới có việc tìm đến bạn được
mình không nghĩ là bạn chỉ “học” xong là có thể làm được freelance ở nhà, chỉ là điều kiện cần mà thôi, không phải điều kiện đủ
tất nhiên bạn có thể tìm mấy task lẻ lẻ trên một số trang về freelance, nhưng mình không nghĩ là nó dễ ăn đâu

mình không muốn trả lời vấn đề lộ trình học như nào, vì trên mạng vô vàng rồi, thậm chí trên daynhauhoc này câu hỏi tương tự cho người 23 24 25 26 27 28 29 30 tuổi cũng đều có, trả lời thêm ở topic này nữa thì cũng nhàm
mỗi người cũng phù hợp với một cách một lộ trình khác nhau, không thể đánh đồng được, người ta đi con đường đó thành công chưa chắc mình cũng như thế

một chút đánh giá
bạn đang có công việc ổn định, nên việc học của bạn có lẽ là không cần vội vàng gì, tự học năm này qua tháng nọ, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm gì đó cũng đâu có vấn đề, công việc cứ làm, học cứ học, khi nào đủ thì cứ nghỉ và tìm việc thôi
sẽ không có một con đường tắt nào để bỏ ra ít công sức mà đạt được kết quả đâu

6 Likes

cảm ơn bạn đã chia sẻ ạ

Như tất cả mọi người ở trên đề cập, cậu nên tiếp cận theo kiểu bottom-up: đi từ vấn đề thực tiễn, giải quyết nó và thu thêm kinh nghiệm từ đó.
Tiếp cận kiểu top-down (nắm chắc lý thuyết, sau đó vận dụng vào thực tiễn) có lẽ không phải thứ dành cho người thiếu thời gian như cậu.
Và vì thế:

Bởi mình xem một số theard trên dev_chat, một số bạn nói rằng nếu ko biết cơ bản thì mình chỉ như một người thợ code mà ko hiểu gì về code sau rất khó để có người hợp tác hay giao cho mình dự án)

Và:

Rồi có người thì bảo nếu chưa hiểu những cái căn bản nhất mà học luôn vào một ngôn ngữ thì chỉ giống như em đang học vẹt và ko hiểu bản chất vấn đề là gì

Thực ra, câu trả lời cho cậu đã ở trước mắt cậu rồi. Thứ cậu cần làm chính xác là trở thành thợ code (thợ code thì sao chớ? Cậu làm để nuôi sống bản thân mà :smile:). Cậu chỉ cần giải quyết được vấn đề (code được, tạo được trang web), kiếm được công việc cho cậu một nguồn thu nhập ổn (đó nên là ưu tiên) và tiềm năng học hỏi. Sau đó, cậu có thể cải thiện thêm kiến thức và kỹ năng để có thể đảm nhận nhiều vai trò hơn (tất nhiên là không dễ dàng gì, không có đường tắt nào cả, cậu vẫn sẽ phải bồi đắp lại kiến thức nền tảng để có thể đi xa hơn, nhưng chí ít cậu sẽ làm điều đó với cái bụng no).
Lý do cũng đơn giản thôi, nghề kỹ sư/lập trình viên/thợ code là nghề của kinh nghiệm và practice, hơn là lý thuyết hàn lâm, và cậu chỉ có thể kiếm được công việc nhanh nhất có thể, chứ không kiếm được công việc kiểu chuyên viên xịn sò nhanh nhất có thể.

Tớ nghĩ cậu cũng biết cậu không ở vị trí xa hoa về mặt thời gian và nguồn lực. Nếu cậu đua theo những bạn học top-down, cậu sẽ bỏ cuộc, giống như hầu hết các bạn tạo câu hỏi “x tuổi có làm được công nghê thông tin không?”.

Về câu hỏi này của cậu:

Mọi người cho mình hỏi thêm là mình có nên đăng ký học ngoài trung tâm hay nên tự học ạ

Cậu sẽ cần trả lời những câu hỏi đơn giản này để đưa ra quyết định:

  • Tại sao cậu nghĩ cậu có thể tránh được việc tự học? :smile:
  • Cậu học tốt nhất ở môi trường nào? Với cách thức như thế nào?
  • Ưu điểm của việc ra trung tâm học là gì so với việc mua course trên mạng học?
  • Cậu biết trung tâm nào tốt phù hợp với định hướng của cậu chưa? Nếu rồi, sao cậu lại chưa học? Nếu chưa, cậu sẽ cần gì để biết?

Hope it helps!

4 Likes

Nếu muốn đi làm thì nên bỏ tiền túi ra học trung tâm bên ngoài, nếu trung tâm thì chọn các trung tâm dạy 2 năm trở lên, đừng chạy theo các trung tâm 3-6 tháng làm gì cho mệt. Bạn học mấy trung tâm đó sẽ có tầm nhìn thực tế, ra trường 28 tuổi thì sẽ rõ thôi. :slight_smile: Trong các trung tâm mình suggest Aptech, Niit nhé … Aptech có mấy lớp ban đêm đó. Bạn học sẽ có roadmap rõ ràng cho bản thân lựa chọn. Tự học nếu không có background sẵn về CNTT thì sẽ không theo nổi đâu :smiley: Nếu bận đến mức không thể ra trung tâm được nữa thì hỏi thử Fpt funix thử xem … Thật ra nếu job hiện tại của bạn đang là cần câu cơm cho bạn và gia đình thì nên cân nhắc chuyển ngành thì hơn, học để hổ trợ cho công việc thì ok, nhưng để làm freelancer về dev thì bắt buộc bạn phải có kinh nghiệm mới dám lấy các project freelancer về làm chứ nhỉ :sweat_smile: 26 tuổi không quá trễ để bắt đầu, nhưng có nhiều yếu tố xung quanh mình phải luôn cân nhắc. “Cẩn tắc vô áy náy”

1 Like

Cảm ơn những lời khuyên hữu ích từ bạn :heart:

1 Like

Hì hì mình cũng nghĩ với tuổi của mình mà tự học thì sẽ phải lần mò khá lâu ấy. Cảm ơn bạn nhiều

1 Like

chào bạn, mình cũng là dân hóa bắt đầu học lập trình từ năm 25 tuổi, nay đã đi làm được 3 năm thì có một số kinh nghiệm chia sẻ như sau.
1/ Bạn nên học trước 1 số khóa ngắn hạn về lập trình để biết là mình có hợp hay không ? (Có thể là HTML / CSS / Javascript ). Cái này chỉ tốn bạn mất 1-2 tuần để bạn biết là mình có hợp hay không thôi.
2/ Nếu bạn cảm thấy không hợp thì đừng cố vào, vì có vào bạn sẽ không theo nổi
3/ Nếu bạn thấy ok thì nghe mình là hãy đóng tiền vào một trung tâm ngắn hạn học, việc bạn bỏ tiền ra là để bạn có trách nhiệm với đồng tiền của mình, đồng thời trung tâm cung cấp cho bạn một lộ trình đáp ứng được nhu cầu làm việc cơ bản.
4/ Học xong trung tâm thì bạn hãy dành ra 3-4 tháng để làm 2 cái sau đây (tỉ lệ thời gian như thế nào cho 2 điều này là tùy bạn):
a/ Cày project cá nhân
b/ Học về cấu trúc dữ liệu / giải thuật

5/ Song song lúc cày 3-4 tháng đó chuẩn bị CV tiếng Anh đi rải, hoặc nếu trung tâm bạn có hỗ trợ tìm kiếm việc làm thì tận dụng.
6/ Nên nhớ phỏng vấn chắc chắn sẽ có 1 trong 2 vòng là live coding (trên project của mình hoặc theo yêu cầu) hoặc kiểm tra các bài cấu trúc dữ liệu / giải thuật.
7/ Đi làm rất nhiều lúc bạn không được chọn công nghệ ưa thích của mình, điều này là hoàn toàn bình thường, cty product hay outsource cũng vậy.

Lúc học phải hiểu bản chất, không có học kiểu cho qua môn, vô phỏng vấn hỏi 1-2 câu là lòi đuôi ngay

2 Likes
83% thành viên diễn đàn không hỏi bài tập, còn bạn thì sao?