24 tuổi và mình định bỏ việc để theo lập trình

Chào mọi người.
Mình năm nay 24 tuổi, đã tốt nghiệp đại học và đi làm được 1 năm. Tuy nhiên càng đi làm mình lại càng thấy không hợp với nghề. Công việc của mình phải nói nhiều, giao tiếp nhiều, tiếp khách, bia rượu nhiều, nhưng mình lại không có năng khiếu trong những khoản đó. Mình thích công việc có thể ngồi suy nghĩ, ít phải tiếp khách, nhậu nhẹt hơn. Từ hồi cấp 2 học Pascal thì mình đã rất thích và học khá tốt môn này. Vì vậy mình đang dự tính bỏ công việc hiện tại để theo lập trình. Hiện tại thì mình đã học tới phần con trỏ của C++, và chuẩn bị học tới hướng đối tượng. Mình dự định sau khi vững nền tảng cơ bản sẽ học JS để theo lập trình web.
Tuy vậy bỏ cộng việc ổn định hiện tại, cũng là sự kỳ vọng của gia đình nên mình cũng phải suy nghĩ rất nhiều. Mình đăng lên đây mong các bạn tư vấn và cho mình lời khuyên về việc rẽ ngang sang ngành lập trình. Liệu lập trình có phù hợp với 1 người thích ngồi lỳ 1 chỗ và không giỏi giao tiếp, tiếp khách như mình không. Mình cảm ơn.

1 Like

Quá phù hợp luôn, và nên triển khai học ngay và luôn đi thím,

3 Likes

Tôi nghĩ bạn không nên bỏ công việc hiện tại vì một số lý do sau đây:

  1. Bạn đã đầu tư khá nhiều vào nó. Việc học ĐH và đi làm chứng tỏ bạn có khả năng làm việc trong công việc đó (dù bạn không thích).
  2. Việc bạn thích, học tốt Pascal lúc trước và không thích giao tiếp là một số đặc điểm, nhưng không phải là lý do chính để quyết định bạn có thích hợp để trở thành một lập trình viên hơn là nghề nghiệp hiện tại không. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn bỏ tất cả, tốn thêm vài năm nữa để bắt đầu học lại từ đầu và sau đó nhận ra rằng nghề lập trình cũng không thích hợp với bạn?

Tôi sẽ rất vui nếu cộng đồng lập trình viên có thêm một thành viên mới, nhưng bạn phải chọn một lộ trình hợp lý cho mình. Nếu bạn quyết tâm theo ngành lập trình, bạn có thể giữ công việc hiện tại và học thêm ngoài giờ. Nếu sau vài năm, bạn thấy đủ khả năng lập trình, bạn có thể thử xin việc. Nếu được nhận, bạn có thể bỏ công việc hiện tại. Cách này vừa có thể chứng tỏ được sự đam mê vừa giúp gia đình hiểu bạn (sẽ dễ hơn nhiều để thuyết phục gia đình bạn khi bạn đã bắt đầu việc học lập trình vài năm và có được công việc hơn là bỏ ngay từ bây giờ với bàn tay trắng phải không?).

Thật ra làm lập trình cũng có nhiều khó khăn. Công việc lập trình đôi khi cũng như công việc của nghệ sĩ vì đòi hỏi tính sáng tạo cao. Bạn cũng sẽ phải đối diện với nhiều áp lực trong công việc vì không phải lúc nào bạn cũng có thể tạo ra các sản phẩm đúng ý mình. Là một lập trình viên, có những ngày bạn sẽ không làm được gì cả (vì không có ý tưởng hoặc thiếu kiến thức cần thiết để giải quyết một vấn đề khó hiểu nào đó) và cũng có những ngày bạn phải làm việc liên tục không nghỉ, thậm chí làm suốt đêm để theo kịp tiến độ hoặc vì không muốn bỏ lỡ một ý tưởng hay nào đó. Bạn cũng sẽ phải học những kiến thức mới liên tục nếu muốn đứng vững trong ngành. Bạn cũng sẽ có nguy cơ bị nhiều loại bệnh nghề nghiệp khi phải ngồi làm việc suốt ngày với máy tính. Và nếu làm việc đủ lâu, bạn cũng sẽ nhận ra rằng giao tiếp xã hội cũng là một kỹ năng quan trọng của lập trình viên. Người ít giao tiếp có thể là một lập trình viên giỏi nhưng sẽ không phải là một lập trình viên thành công. Để thành công, bạn phải biết cách giao tiếp với đồng nghiệp, cấp trên, khách hàng, biết cách thuyết trình và thuyết phục người khác thấy và chấp nhận những ý tưởng của bạn. Bạn có chuẩn bị để đối diện với những vấn đề này chưa?

Bên cạnh đó, tôi khuyên bạn cũng nên hạn chế hoặc bỏ hẳn việc nhậu dù là trong công việc hiện tại, đó là một thói quen rất xấu của người Việt nam (bạn nào muốn ném gạch đá thì tôi sẵn sàng nhận nhưng đó là quan điểm của tôi) và làm ảnh hưởng sức khỏe. Làm nghề gì cũng không nên nhậu. Có thể lúc đầu mọi người sẽ nói bạn lập dị nhưng sau họ sẽ quen. Tôi vẫn giữ được mối quan hệ tốt với bạn bè và đồng nghiệp dù không bao giờ tham gia nhậu với họ, cho nên tôi nghĩ điều đó hoàn toàn có thể làm được.

Chúc bạn tìm được cách giải quyết hợp lý.

14 Likes

Tôi gần 30t & đang bắt đầu tự học lập trình đây!
Cố lên bạn.
à, tôi chưa bỏ việc nhé =))))

2 Likes

Mình 27 tuổi và cũng đang định rẽ ngang để học lập trình.
Mình tự thấy mình ham thích làm việc với máy tính, học giỏi toán. Trong khi công việc hiện tại mình đã cảm thấy quá mệt mỏi, nó nặng về quy trình và tuân thủ.
Mình sẽ không bỏ việc vì lý do tài chính. Nhưng buổi tối mình sẽ dành trọn cho việc học lập trình và mình đang muốn tìm 1 nơi để theo học.
Hiện tại mình đang phân vân giữa 2 chương trình:

  • Aptech:
    • Ưu: thực tập nhiều, chương trình đa dạng các ngôn ngữ
    • Nhược: Học phí cao, bằng cấp chỉ là bằng nghề, không đi sâu vào nguyên lý.
  • Học từ xa bằng 2 của Đại học KHTN:
    • Ưu: là bằng Đại học, chương trình của KHTN, học phí vừa phải.
    • Nhược: là học từ xa, chương trình thiết kế kém hấp dẫn (Theo 1 topic trên daynhauhoc), kém cập nhật.
      Mình rất phân vân. Mọi người cho mình xin ý kiến, cũng như sửa chữa những nhận xét của mình nếu nó chưa chính xác (đặc biệt về chương trình của ĐH KHTN). Xin cám ơn.
2 Likes

Các vấn đề cần phải giải quyết khi quyết định bỏ ngang những thứ hiện tại để theo đuổi lập trinh:

  1. Tuổi tác, với 25 tuổi trở xuống thì có vẻ như không có vấn đề gì, tuy nhiên nếu là nhà tuyển dụng thì 30 tuổi cũng làm người ta quan ngại. Tất nhiên là sẽ khó hơn thôi chứ không hẳn là không thể. Nếu có người đang làm trong ngành có thể / có khả năng dẫn dắt thì sẽ tốt hơn.
  2. Khi đã pass được mục 1 thì vấn đề về lương. Đang có 1 hoặc vài năm kinh nghiệm với mức lương tốt và ổn định. Bỏ ngang qua lập trình sau bao nhiêu cố gắng thì đi làm với mức lương tầm $350 - $500. việc chán nản cũng khó tránh khỏi. Có một số người chuyển ngành nhưng không làm khâu code (IT không chỉ có code) nên ban đầu vẫn được 1 mức lương tốt hơn mức trên (tất nhiên là người ta có kinh nghiệm khác liên quan có ích cho việc mới), tuy nhiên base của họ không xuất phát từ IT nên tầm nhìn có thể sẽ bị giới hạn so với người đi từ ngành (mà phải vững), việc thăng tiến có thể sẽ bị giới hạn do năng lực bản thân. Trong IT thì khâu non-code, non-techical khá nhiều, ban đầu đi làm thì có vẻ như không cần phải biết nhiều vẫn làm tốt, nhưng có techical vẫn tốt hơn

Quyết định ra sao là do mỗi người. Tuy nhiên, nên tìm hiểu về cái mình muốn chuyển và có một cái nhìn tổng quan về cái mình định bỏ những gì đang có thể mà theo đuổi.

Ý kiến cá nhân: Vừa tiếp tục công việc hiện tại, vừa học lập trình (làm hành chính thì tuần có 40 giờ chứ mấy, còn lại đầy thời gian để học lập trình). Đọc những bài blog chia sẻ về việc chuyển ngành, nghiên cứu career, vạch ra định hướng
Ví dụ:

  • Năm đầu tiên: Nhập cuộc. Tự học 6 tháng (trước khâu tự học là khâu quyết định học gì, theo gì), sau đó trong vòng 6 tháng tôi sẽ đi thực tập, và trở thành lập trình viên của 1 cty với 1 mức lương xxx.
  • Năm thứ 2: bắt đầu bổ sung các kiến thức còn thiếu về máy tính. Try thêm một ngôn ngữ nào đó (xin được làm project này, project kia trong cty …). Sau khi hết 2 năm tôi có thể code bằng 2 ngôn ngữ/framework, có thêm chút hiểu biết sơ về mobile app, biết chút quy trình làm việc, có thể cà khịa khâu test các kiểu. Mức lương lúc này là yyy …
  • Năm thứ 3: …
  • Năm thứ 5: … Senior
  • Năm thư 7: … Leader
  • Năm thứ 10: … PM

Chuyển ngành với 1 tầm nhìn ngắn là tôi làm lập trình rồi lãnh lương (cao) thì nên suy nghĩ kĩ lại

4 Likes

Xin cám ơn chia sẻ của bạn. Mình không chuyển ngành lập trình vì mức lương cao.
Mình chuyển ngành vì đã đánh giá hết khả năng thăng tiến của bản thân trong ngành hiện tại (Do mình không khéo léo), nên mình muốn tìm một việc gì đó mình cảm thấy thích thú hơn và cũng phù hợp hơn với mình.
Mình muốn học cho vững vàng kiến thức rồi mới xin đi làm, tránh tình trạng không đủ kiến thức. Nên mình muốn xin mọi người đóng góp ý kiến về việc chọn chương trình học.

học hành mà dựa vào review của (vài) người khác thì chẳng khác nào đẽo cày giữa đường
muốn nói chỗ này dạy hay chỗ kia dạy dỡ thì ai cũng có thể nói được.
chỗ nào cũng có người ra trường, có cả thành công và thất bại trong sự nghiệp. mọi thứ là tùy bản thân mà không, không thể dựa vào những gì trên trường lớp dạy mà ra đi làm được, trường lớp chỉ là nơi dạy những kiến thức rất là cơ bản để làm nền móng thôi, còn áp dụng cái đó được hay không được là do cố gắng của mỗi người. ở cái tuổi đã từng học và đi làm thì nên tự hiểu điều này
dù có chọn trường nào lớp nào để học thì kết quả học tập, sự thành công hay thất bại sau này đều là của người học chứ chả phải của người dạy (mặc dù cũng có ảnh hưởng nhưng không phải là nguyên tố chính)

3 Likes
83% thành viên diễn đàn không hỏi bài tập, còn bạn thì sao?