Tìm vốn kiểu mới thông qua kickstarter cho dự án của bạn

Nguyễn Vạn Phú
(TBKTSG) - Bạn là người Mỹ gốc Việt đang định cư ở California. Một ngày đẹp trời, bỗng bạn nảy ý định viết một cuốn sách dạy nấu ăn nhưng chỉ chuyên một món thôi: bánh mì kẹp thịt nóng giòn kiểu Việt Nam. Nhưng lấy đâu ra tiền để trang trải cho một chuyến đi về Việt Nam để thực hiện cuốn sách ảnh này? Vậy là bạn lên trang www.kickstarter.com giới thiệu dự án và kêu gọi đóng góp.

Ai góp 35 đô la sẽ nhận được bản mềm cuốn sách khi viết xong, góp 50 đô la thì được cả bản bìa cứng lẫn bản ebook. Kêu gọi trong 68 ngày, tác giả thu được 2.835 đô la, vượt mốc 2.500 dự kiến. Dự án khép lại và được xếp vào dạng gọi vốn thành công.

Trang Kickstarter là một trong những nơi gọi vốn từ cộng đồng đang là xu hướng tìm vốn khởi nghiệp cho những người có ý tưởng sáng tạo nhưng không có tiền để thực hiện. Ra mắt từ năm 2009, đến nay Kickstarter đã gọi được trên 1 tỉ đô la vốn mồi cho 135.000 dự án, từ làm phim, viết sách đến viết báo, dựng kịch hay làm trò chơi điện tử với tỷ lệ thành công gần được 50%. Đáng chú ý là một nửa số vốn này, tức nửa tỉ đô la vừa mới được huy động trong năm 2013, tức Kickstarter đang ngày càng thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều người.

Dự án gọi vốn thuộc loại nhanh nhất của Kickstarter đang gây xôn xao dư luận là dự án sản xuất máy in 3D

Micro. Máy in 3D đã có trên thị trường nhưng rất đắt, người bình thường khó lòng với tới. Một nhóm nhỏ những người trẻ tuổi muốn sản xuất một máy in 3D giá rẻ đã đưa ý tưởng lên Kickstarter chào bán. Thoạt tiên ai đăng ký góp 199 đô la sẽ trở thành những người đầu tiên nhận được máy vào tháng 2-2015; sau 250 người, giá sẽ lên thành 249 đô la; sau 500 người, giá lên 299 đô la…

Tuần trước, chỉ trong vòng 11 phút, mục tiêu gọi được 50.000 đô la vốn mồi đã hoàn thành và chừng ba ngày sau, con số cam kết đã lên đến trên 2 triệu đô la trong khi thời gian gọi vốn còn đến 27 ngày nữa.

Hiện nay báo chí Mỹ tập trung vào chuyện nhóm này có thể làm được chiếc máy in 3D với giá như thế hay không. Riêng chúng ta, quan tâm đến việc gọi vốn theo cách dựa vào cộng đồng hơn nên sẽ quan sát thêm cách nhóm này chào mời mọi người tham gia dự án.

Đầu tiên là nhóm làm một video giới thiệu dự án với chiếc máy hoạt động đầy đủ thực sự in ra những vật thể gọn nhỏ xinh xắn. Họ dùng đồ họa, dùng phim ảnh, không rõ là máy thật hay chỉ mới là hình mẫu in theo kiểu hoạt hình nhưng tất cả đều rất chuyên nghiệp. Ai xem xong ắt cũng muốn sở hữu chiếc máy in, trong thoáng chốc có thể in cho mình đồ chơi, chiếc cốc hay hình ảnh người thân ở dạng bức tượng 3D như người thật.

Những nơi giúp người bình thường gọi vốn cộng đồng tương tự như Kickstarter có Indiegogo, Peoplefund.it, Smallknot, RocketHub, Gambitious…
Trên trang giới thiệu, họ nói rõ những yếu tố kỹ thuật, từ phần cứng đến phần mềm… những lợi ích khi cam kết mua sớm, kể cả những rủi ro có thể xảy ra, kèm theo lịch trình sản xuất dự kiến. Có lẽ đây là yếu tố thu hút người dùng bỏ tiền mua một sản phẩm mà đến sang năm mới hứa hẹn có thể giao hàng.

Trở lại với trang web Kickstarter, thử tìm các dự án liên quan đến Việt Nam thì thấy có 97 dự án như một nhà báo muốn huy động 10.000 đô la để đi thăm Việt Nam về viết sách đang diễn ra, một người gầy vốn để sản xuất khung xe đạp bằng tre đã kết thúc… Cũng có dự án không thành công như một nhạc sĩ muốn huy động tiền để sang biểu diễn tại Festival Huế năm 2010 không được hưởng ứng.

Đây có thể là một sân chơi cho những người có óc sáng tạo ở trong nước muốn gọi vốn để tìm tài trợ. Điều cần lưu ý là Kickstarter chỉ là nơi trung gian, sẽ thu 5% lệ phí từ tổng thu được từ nguồn vốn huy động. Vì là nơi trung gian nên Kickstarter chỉ cảnh báo mọi người thông báo cho nhau những trường hợp nghi ngờ lừa đảo chứ hầu như không có biện pháp gì mạnh mẽ để ngăn ngừa.

Đã từng có những dự án thành công nhờ nguồn vốn mồi từ Kickstarter như dự án Oculus VR mà Facebook vừa mua lại với giá 2 tỉ đô la. Dùng Kickstarter, Oculus VR huy động được 2,4 triệu đô la, vượt quá mức 250.000 dự tính thu được. Điều đáng nói những người đăng ký hỗ trợ Oculus VR lại không được hưởng gì từ khoản tiền 2 tỉ đô la mà Facebook bỏ ra bởi cam kết giữa hai bên chỉ là giao sản phẩm (chiếc kính 3D giúp người đeo trải nghiệm cảm giác hiện thực ảo chưa từng có).

Cũng có những trường hợp diễn biến kỳ lạ như vụ một người ở Chicago huy động được 51.615 đô la để viết một cuốn truyện tranh Những hình buồn cho trẻ em. Có tiền rồi, anh ta làm sách nhưng quyết định đốt hết 127 bản sách đã thực hiện rồi quay video đưa lên trang Kickstarter làm những người từng nộp 50 đô la/người nổi giận.

Sức lan tỏa của Kickstarter cũng là điều đáng ngạc nhiên vì 1 tỉ đô la huy động được đến từ 5,7 triệu người thuộc 224 nước và vùng lãnh thổ. Trong số này có 16.000 người từng đóng góp cho hơn 50 dự án. Riêng từ Việt Nam có 938 người tham gia, cam kết gần 200.000 đô la Mỹ, theo tổng kết của Kickstarter vào ngày họ đạt con số 1 tỉ đô la.

http://www.thesaigontimes.vn/113525/Tim-von-kieu-moi.html

2 Likes
83% thành viên diễn đàn không hỏi bài tập, còn bạn thì sao?