Tiến sĩ thì mới làm giảng viên giỏi?

Tôi không định tham gia việc tranh luận của các bạn, nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì thế này:

  1. Cử nhân: khi bạn học xong Đại học, điều này chứng tỏ bạn có khả năng học và có kỷ luật để hoàn thành chương trình học. Vì vậy, bạn có thể trở thành một người làm việc giỏi.
  2. Thạc sĩ: khi bạn có bằng Thạc sĩ, bạn chứng tỏ rằng mình có khả năng trở thành một chuyên gia và hiểu biết sâu về chuyên môn của mình. Bạn có thể trợ giúp, hướng dẫn cho người khác.
  3. Tiến sĩ: khi bạn có bằng Tiến sĩ, bạn chứng tỏ rằng mình không những hiểu biết sâu về lĩnh vực của mình, bạn còn có thể nghiên cứu, tạo ra những khái niêm mới và có khả năng tư duy rất cao. Quan trọng hơn nữa, ở nước ngoài, việc học sau Đại học (Thạc sĩ hay Tiến sĩ) là do bạn có sở thích đặc biệt với một lĩnh vực nào đó và muốn đi sâu hơn chứ không phải để có tấm bằng bảo chứng. Vì vậy, việc có bằng Tiến sĩ bảo đảm rằng bạn là người có say mê và có những kiến thức đặc biệt nhờ quá trình tìm tòi của bạn. Đây là nguồn truyền cảm hứng rất tốt cho sinh viên.

Thành ra tôi đồng ý với ý kiến của một trong các bạn ở đây là tiến sĩ không nhất thiết phải là giảng viên giỏi, nhưng hễ là giảng viên thì tiêu chuẩn đầu tiên phải là tiến sĩ. Bởi vì họ có kiến thức sâu và có khả năng hướng dẫn sinh viên cách suy nghĩ. Ở các trường ĐH ở nước ngoài, sinh viên được khuyến khích để nâng cao khả năng tư duy hơn là kiến thức, vì khi sinh viên có khả năng suy nghĩ tốt thì họ có thể tự học. Vai trò của giảng viên không phải chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn dạy sinh viên biết khả năng suy nghĩ và sáng tạo. Cử nhân và thạc sĩ không đáp ứng được yêu cầu này (dĩ nhiên là cũng có ngoại lệ, nhưng chỉ là thiểu số). Ở các trường ở nước ngoài, sinh viên có thể gặp và trao đổi với giảng viên rất dễ dàng (mỗi giảng viên - hay giáo sư tùy cách gọi - đều có văn phòng riêng của họ và có lịch làm việc rất rõ ràng, bạn chỉ cần đến gõ cửa văn phòng họ khi họ có ở đó và hỏi, nhờ góp ý thoải mái). Không chỉ vậy, các giáo sư còn phải đảm nhận các đề tài nghiên cứu và hướng dẫn sinh viên làm các đề tài nghiên cứu nữa (Nhất là thời gian nghỉ hè, họ sẽ nghiên cứu suốt mấy tháng). Phần lớn cử nhân và thạc sĩ không thể làm tốt vai trò này. Vì vậy, trong trường mà tôi đã học cũng như một số trường ở nước ngoài mà tôi đã tìm hiểu qua, toàn bộ các giáo sư đều là tiến sĩ (ở nước ngoài không chia ra giáo sư và giảng viên, giáo sư cũng là giảng viên. Các giáo sư có hai nhiệm vụ: giảng dạy và nghiên cứu).

Tôi cũng đã thấy một số trường hợp các giảng viên dạy không giỏi lắm, nhưng họ vẫn đảm nhận tốt vai trò của mình. Thật sự mà nói, việc nghe giảng trong lớp chỉ là một phần nhỏ lượng kiến thức mà tôi học được (thời lượng học ở nước ngoài đại khái là khi học một giờ trên lớp thì bạn phải học thêm ít nhất 3-5 giờ ở nhà). Phần còn lại chủ yếu là tự học và đọc sách. Vì vậy chuyện giáo sư có dạy giỏi hay không không quan trọng bằng việc họ có thể giải đáp được những câu hỏi của tôi và giúp tôi cách tư duy để giải quyết vấn đề.

Tôi có được cơ hội học cả ở môi trường trong nước và ngoài nước, và thật sự thì kinh nghiệm học trong nước của tôi không mấy dễ chịu. Tôi được học ở một trường ĐH tương đối tốt, nhưng phần tốt ở đây chủ yếu là do các bạn học của tôi đều là những người giỏi và tôi học được từ họ rất nhiều, từ cách tự học cho đến những kiến thức bên ngoài. Còn về giảng viên, thời của tôi thì vì chưa có nhiều người học ngành CNTT nên các giảng viên đa số là những người có bằng cử nhân từ các khóa trước (thậm chí có người chỉ lớn hơn vài tuổi), và vì vậy, họ không thuyết phục được sinh viên. Và thật sự là trong các sinh viên, có người còn biết nhiều hơn giảng viên trong một số vấn đề. Do đó đưa đến tình trạng là họ tìm cách bắt bí bằng các câu hỏi hay bài thi với các mẹo vặt để tạo cảm giác là giảng viên giỏi hơn sinh viên. Tôi không biết tình trạng đó bây giờ có còn hay không. Nhưng nếu giảng viên là một tiến sĩ thì ít nhất về mặt tâm lý cũng không có vấn đề này (một lần nữa, có thể điều này cũng không áp dụng được ở Việt nam với tình trạng bằng cấp tràn lan và không có tiêu chuẩn như hiện nay).

Tóm lại, theo kinh nghiệm cá nhân, tôi đồng ý với quan điểm các giáo sư Đại học (hay giảng viên) phải có trình độ tiến sĩ.

15 Likes

Học ĐH mình may mắn được 1 vài lần Phó giáo sư dạy. Mặc dù cũng là phó giáo sư của Việt Nam nhưng sự khác biệt là rất rõ với những giảng viên ở mức thạc sĩ.

3 Likes

PGS, GS trừ khi nghỉ hưu từ thời napole vẫn đc trường mời lên giảng thì học mới ko hay thôi, chứ mấy GS trẻ hơn thì phải nói là kiến thức là cả 1 bầu trời.

3 Likes

Ngay vấn đề đầu tiên trong bình luận của OP đã nêu rõ quan điểm chung như vậy là chẳng sai rồi:

Nhiệm vụ chính của giảng viên mỗi môn học là giảng dạy kiến thức môn học đó sao cho sinh viên dễ dàng tiếp thu nhất

Để được gọi là dễ dàng để cho người khác có thể tiếp thu đã là cả một quá trình rèn luyện kỹ năng truyền đạt, nghiên cứu… tất nhiên là hơn cả các loại người truyền đạt như MC, bình luận viên… Chứ chưa nói đến cái nhất mà OP đã đề cập.

Chỉ nói đến đây đối với tôi cũng đã đủ, phân tích thì cả một quyển sách ngàn (nghìn) trang cũng ko đủ.

3 Likes
83% thành viên diễn đàn không hỏi bài tập, còn bạn thì sao?