Bài viết này như một lời tâm sự thật từ một người thầy sau hơn 5 năm đấu tranh với bản thân để đi tìm mình liệu rằng nghề giáo có thật sự là nghề đã chọn mình hay không? Tôi từng là một kỹ sư Hạ tầng Kỹ thuật, tốt nghiệp tại Đại học Kiến Trúc TP HCM. Khi còn là học sinh nghề giáo là nghề tôi loại ra đầu tiên khỏi danh sách các nghề mà tôi sẽ chọn. Vì xung quanh tôi, người thân trong gia đình tôi đều yêu thích hoặc làm nghề dạy học. Tôi không thích làm việc giống với những người xung quanh. Tôi sợ sự lặp lại.
Tôi đã không cho rằng những giờ làm gia sư Toán, Lý, Hóa cho học sinh lớp 9, lớp 10 khi tôi học năm nhất, năm hai là những bước đi đầu tiên của nghề giáo. Vì thế đến những học kỳ sau kể từ năm 3 khi tôi hiểu biết nhiều hơn về chuyên ngành, biết được cách dùng của một số công cụ để có thể kiếm tiền từ những việc liên quan tới những gì mình đang theo học. Tôi từng rất yêu thích chuyên ngành kỹ thuật này và cũng từng đạt giải cao ở một công trình nghiên cứu khoa học khi còn là sinh viên năm 3. Nói dong dài thế, cũng chỉ để giải thích, tôi đã hoàn toàn không chọn nghề dạy học.
Kể từ khi tôi có được những thông tin khác từ những bài báo nói về cơ hội của những kỹ sư hội nhập, hay còn gọi là Kỹ sư Asian thì tôi mới bắt đầu xác định tiếng Anh sẽ là một phần không thể thiếu cho những cơ hội sắp sửa được mở ra. Một bài viết khác mà tôi đã viết cách đây không lâu có đăng trên Vnexpress và bài viết gốc đăng tại CEP. Tôi vốn là một người khá nôn nóng trước các cơ hội, do đó tôi đã mặc định và đặt ra một cột mốc 6 tháng phải bắt buộc giao tiếp tiếng Anh lưu loát, sau khi tôi thấy vài dòng quảng báo về cụm từ “Tiếng Anh giao tiếp căn bản 6 tháng”, tôi đã không có đủ tiền để tham tham dự những lớp học chất lượng cao như vậy, ngoại trừ có cơ hội được đến lớp vì có một thầy giáo đồng ý cho tôi theo lớp học miễn phí. Đó là tất cả những gì mà tiếng Anh đã tự nhiên thôi thúc tôi “học như điên” trong một khoảng thời gian ngắn trong vòng khoảng 6 tháng để có thể giao tiếp tiếng Anh lưu loát.
Sau khoảng thời gian đó, bên cạnh thời gian đi học Đại học vào thời gian ban ngày, thời gian buổi tối là lúc tôi làm gia sư dạy tiếng Anh cho học sinh các cấp phổ thông. Lúc đó, tôi chưa tìm được một cơ hội để có thể thử sức dạy tiếng Anh giao tiếp, nhưng những giờ gia sư tiếng Anh, tôi cũng đã dành ra một khoảng thời gian nhỏ để hướng dẫn học sinh của mình giao tiếp bằng tiếng Anh 15- 20 phút trước khi kết thúc 2 giờ học. May thay, học sinh ở Sài Gòn, tuy yếu ngữ pháp tiếng Anh, nhưng học phát âm và giao tiếp khi khá nhạy; nói là chúng bắt chước được ngay. Tôi có nhiều may mắn hơn nữa, khi tôi có thêm giờ dạy tiếng Anh giao tiếp cho những người lớn tuổi hơn từ sinh viên Đại học cho đến kỹ sư đã hơn 40 tuổi. Đến khi tôi tốt nghiệp Đại học cũng là lúc tôi đã xây dựng được 4 lớp học tiếng Anh giao tiếp học song song các buổi tối trong tuần. Phụ việc cho tôi còn có cả 2 giáo viên khác đến từ Philippin. Như vậy, từ một thông tin về một cơ hội mới trong lĩnh vực kỹ thuật về những yêu cầu hội nhập tôi đã bước đi quá xá so với những yêu cầu cơ bản của một kỹ sư cần phải có. Số giờ đi dạy tiếng Anh buổi tối, số giờ tôi phải bỏ ra để học sư phạm tiếng Anh lại từ đầu đã gần như bằng với số giờ tôi bỏ ra để học chuyên môn tại trường Đại học. Tôi đã tự hỏi, vậy đâu là công việc tương lai của mình?
Tôi vẫn tiếp tục dạy tiếng Anh cho tới bây giờ và vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với những Kỹ sư, Kiến trúc sư…những người tôi đã từng làm việc. Hầu hết những người xung quanh tôi đều có một thắc mắc giống nhau, rằng tôi đã học như thế nào trong 6 tháng đó.
Những điều thầy giáo chưa dạy bạn
Và đây chính là những chia sẻ chân tình nhất của tôi. 6 tháng “học như điên” đó, tôi chỉ học một điều duy nhất là: Học thuộc 1000 cụm từ tiếng Anh thông dụng, và các câu ví dụ sử dụng những cụm từ đó. Tôi đã đọc ở đâu đó trên mạng “Chỉ cần nắm được 1000 cấu trúc từng tiếng Anh” bạn sẽ giao tiếp tiếng Anh lưu loát. Sau này tôi đã viết lại các bài hướng dẫn ghi lại quá trình này. Tôi không mất nhiều thời gian theo đuổi phương pháp này, hay phương pháp kia vì tôi biết, tôi sẽ không giao tiếp hay phản xạ được nếu trong đầu tôi “trống rỗng”. Tôi phải nạp vào trước ! Sau khi nghiên cứu cách phát âm đúng bằng cách học theo các âm đọc trên Youtube, hoặc bắt bước giọng đọc mô tả trên kênh Discovery. Tôi cứ thế mà luyện tập trong suốt 6 tháng. Tôi ghi âm lại và nhờ tất cả những người nước ngoài trên các diễn đàn để có thể sửa giọng cho tôi. Tôi đã hoàn toàn không học: ngữ pháp, học nghe, học nói, học viết… “vân vân học”, TÔI HỌC THUỘC LÒNG ! Cứ tập lặp đi lặp lại các cụm từ và câu ví dụ sau đó ghi âm lại các câu nói và gửi đi để sửa là việc làm duy nhất của tôi lúc đấy.
Khi viết bài này tôi cũng e ngại rất nhiều về những tác động không tốt đến các bạn những ai đang theo đuổi một cách học chính quy nào đó. Thậm chí là sinh viên đang theo học tại lớp học của tôi, nơi mà tôi cũng có dựa theo các chương trình học hiện đại với sự cộng tác với những thầy cô nước ngoài khác. Tôi không thể mở ra một chương trình học mà chỉ mỗi việc học 1000 cụm từ và các câu ví dụ. Sẽ không có một học sinh nào hoàn toàn tin tưởng những điều như vậy; và sẽ không có một thầy cô giáo nào chịu dạy theo giáo trình đó nếu tôi viết ra. Tôi chấp nhận thời gian để một học sinh học có thể giỏi tiếng Anh sẽ dài hơn những gì tôi đã từng trải qua sau khi áp dụng các giáo trình hiện đại hơn. Nhưng bù lại mọi người sẽ an tâm hơn với một giáo trình với đầy đủ các bài học về “nghe-nói-đọc-viết”. Tôi viết bài này vì các bạn- những người đang theo đuổi sự đơn giản.
Mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp, nhưng tôi vẫn có một chút trăn trở mỗi khi tôi giúp một người bạn học tiếng Anh vào một khoảng thời gian ngắn trong ngày, 30 phút buổi trưa, hoặc tuổi tối sau các giờ dạy chính quy. Vì quỹ thời gian của những “học trò đặc biệt” này không cho phép phải học theo bài vở và các kỹ năng tiếng Anh như những gì tôi dạy trong lớp. Tôi chỉ dạy một kiểu bài học duy nhất là: học cách đọc cụm từ; học cách ghi nhớ và nói một câu; sau đó học cách nói một đoạn, một chủ đề. Và tôi yêu cầu họ phải học thuộc trước khi tôi chỉ cách diễn đạt các ý như thế nào cho hay. Tôi tiếp tục chứng kiến những kết quả tốt đẹp từ những người học trò đặc biệt này chỉ trong một thời gian ngắn, thậm chí ngắn hơn so với thời gian 6 tháng mà tôi từng bỏ ra.
Như vậy, vừa rồi tôi đã chia sẻ không một chút dấu nghề về kinh nghiệm thành công của bản thân mình. Tôi luôn luôn muốn mọi thứ đơn giản, ngay cả việc học và dạy tiếng Anh. Vì thế bài viết này tôi gửi đến bạn đọc như một món quà nhân những ngày sắp qua năm mới. Hy vọng các bạn sẽ có những bắt đầu tốt vào đầu năm 2015 trong việc học, việc làm và mọi điều khác trong cuộc sống.
Qùa tặng từ thầy Ce Phan, nhân dịp đầu năm mới 2015, xem thêm
Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn về bài viết này bằng cách để lại những bình luận bên dưới bài viết.