Giới thiệu khóa học C# từ cơ bản trên Udemy do mình tự xây dựng

 

Học trực tuyến hiện nay phát triển khá mạnh. Bản thân mình học khá nhiều khóa trên các trang như Udemy, Pluralsight, Lynda, Codeacademy,vv hay một vài khóa ở Việt Nam. Phải nói mình thích tự học cũng như học trực tuyến từ khi moonvn và hocmaivn mới được thành lập. Vì thế mình cũng có nhiều trải nghiệm về mảng này.

Nếu bạn đọc được những dòng này, tức là bạn đã tham gia một khóa học trực tuyến. Vậy có bao giờ bạn suy nghĩ về nội dung, giá trị mà bạn đạt được sau khi học xong một khóa học trực tuyến không?

Đặt mình vào vị trí người học cũng như người dạy, mình có vài quan điểm như sau:

1. Chúng ta thích một khóa học có nhiều nội dung: 

  • Nếu có 2 khóa dạy về một vấn đề như nhau, bạn thường sẽ có xu hướng chọn khóa có chương trình học dài hơn mà không quan tâm chất lượng như thế nào. Ví dụ giữa một khóa C++ cơ bản và C++ cơ bản có cả hướng đối tượng, thường người ta sẽ chọn mua khóa thứ 2.
  • Mặc dù không biết gì về nội dung trong khóa học, nhưng chúng ta vẫn có xu hướng thích những khóa  có nhiều nội dung hơn. Ví dụ, năm ngoái mình mới biết sơ sơ C# nhưng khi thấy một khóa có dạy Winform, Entity framework, Code Smith, SVN Server, Json, đồ án cuối khóa,vv mình đã mua liền mà không do dự. Nhưng khóa này học theo kiểu qua Skype chứ không qua video. Bạn biết rồi đấy, học qua Skype khá bất tiện, cũng như học nhiều trong một thời gian ngắn không bao giời là lựa chọn tốt.
  • Những năm gần đây, nổi lên phong trào dạy lập trình theo kiểu project-based. Tức là trong chương trình học, bạn sẽ được hướng dẫn làm ít nhất một project thực tế. Bạn sẽ không khó gặp những tiêu đề như Học làm web với PHP, xây dựng 14 websites; Học Swift làm 15 apps; học Android xây dựng 16 apps, học Unity làm 17 games, vv
  • Quan điểm của mình luôn ủng hộ kiểu dạy thực tế như thế này. Nhưng có một vấn đề, đó là nếu bạn được hướng dẫn cách suy nghĩ khi làm project thì quá tốt. Có rất nhiều người dạy trình độ cao rồi, khi họ làm project, họ quên giải thích tại sao chỗ này lại làm như vậy và xem như mặc định là đúng. Học viên thì cứ copy code thôi. Vấn đề thứ hai là project đó là thực tế nhưng là thực tế với người dạy chứ có thực tế với người học đâu. Nhớ hè năm ngoái, trong khóa C# winform ở trung tâm, đồ án phần mềm quản lý khách sạn. Ôi trời, mình có bao giờ quản lý khách sạn đâu, và cũng không muốn làm ra một phần mềm như vậy. Mình muốn làm một phần mềm vẽ bản đồ Mindmap cơ. Và giảng viên, họ code phần mềm dạng quản lý vậy cả trăm lần rồi. Khi họ dạy lại thì dễ như ăn bánh, nhưng với người học là cả vấn đề. Ngay cả những khóa nổi tiếng trên Udemy cũng dạy theo kiểu như vậy. Nếu chúng ta làm những phần mềm na ná như đồ án trong khóa học thì được, nhưng tự làm project của riêng mình thì gặp rất nhiều khó khăn.

Chung quy làm project gì cũng được, nhưng phải hướng dẫn người học cách suy nghĩ chứ không phải copy-paste theo cách làm của họ. Và đó sẽ là project của chính học viên làm ra chứ không phải project của người dạy.

2. Khóa học hay vs marketing tốt?

Có nhiều trang, cá nhân bán được nhiều khóa hơn không phải vì nội dung khóa học hay hơn mà họ làm marketing giỏi hơn. Những chiến lược như giảm giá khi đặt mua trước ngày xx/xx/20xx, chỉ còn X suất giảm giá, mời bạn bè, viết content marketing, PR bản thân, đưa ra nhận xét của học viên cũ, vv khiến người mua muốn mua hơn. Nhiều khi mình mua một khóa không phải vì nội dung mà vì người ta viết quảng cáo quá hấp dẫn, kiểu như khi bạn đọc giới thiệu, bạn thấy giống như khóa học này là dành riêng cho bạn. Có rất nhiều kỹ thuật marketing khác nhau, bạn quan tâm có thể đọc thêm sách về marketing, sales, kinh tế, vv. Và với những khóa như vậy, khi mua rồi thì muốn hoàn tiền lại cũng không được. Marketing là tốt nhưng đừng quá lố, mình viết bài này cũng có mục đích marketing.

Tóm lại, quan điểm của mình về một khóa học hay như sau:

1. Chỉ người học cách suy nghĩ, cách fix bug, cách tìm tài liệu, vv. Có câu “Give a man a fish and you feed him for a day; teach a man to fish and you feed him for a lifetime”. Chỉ cách câu cá chứ đừng cho nguyên con cá. Ví dụ giờ muốn ăn cá khác lấy đâu ra ???

2. Nội dung khóa học dài hay ngắn không quan trọng, quan trọng có nói đúng trọng tâm, cách giải quyết vấn đề. Đừng dạy quá nhiều lý thuyết mà không hiểu, không biết làm gì với chúng.

3. Viết PR hay nhưng đừng lố. Ví dụ như đảm bảo việc làm sau khi học xong. Những khóa học online rất khó bảo đảm việc này.

4. Biết được người giảng dạy là ai, ai đứng sau khóa học đó.

5. Có chính sách hoàn tiền cho khóa học. Tại sao? Vì cách giảng dạy của bạn chưa chắc đã phù hợp với tất cả mọi đối tượng. Có anh thích học theo ví dụ, có anh thích lý thuyết trừu tượng. Anh nào cảm thấy không phù hợp thì yêu cầu hoàn tiền.

Ví dụ, mình từng mua 2 khóa của anh John, tác giả simpleprogrammer – một trang blog về IT khá nổi tiếng. Sau khi xem xong nội dung mình thấy không có gì mới so với quyển sách của ảnh (anh ấy có xuất bản một quyển sách về nghề lập trình rất hay). Mình có email nói lý do cái ảnh trả tiền lại liền. Còn hỏi có giúp gì được không? Bạn thấy đó, thật thà với nhau là cách giải quyết vấn đề tốt nhất. Khóa học hay phải có chính sách hoàn trả tiền cho người học mà không gây khó dễ gì.

5. Khóa học bị copy, đăng lên mạng thoải mái mà học viên vẫn muốn mua. Trên Udemy có một khóa game  Unity3D cực kì nổi tiếng của bác Ben Tristem. Ban đầu mình có khóa học đó qua tải miễn phí trên torrent.  Nhưng về sau mình đã mua nó chính thức trên Udemy.

Thứ nhất là khóa học quá hay, phải mua để ủng hộ tác giả. Phong cách trình bày của mình cũng bị ảnh hưởng rất nhiều từ bác Ben Tristem này.

Thứ hai là mình thấy số tiền bỏ ra chả là gì so với giá trị mà mình nhận được. Nếu theo đuổi khóa học này từ đầu đến cuối, bạn hoàn toàn có thể trở thành game developer. Nội dung dạy hay và rất thực tế từ cơ bản đến nâng cao. Một khóa học online mà có thể nhận được credit (tín chỉ) của đại học bên Phần Lan. Rất tiếc là mình không thích chơi game nên cũng không thể tiếp tục làm game.

Trên thế giới có rất rất nhiều người theo phong cách dạy học phóng khoáng này. Điển hình như Learn Python/Ruby the Hard Way của Zed Shaw hay Ruby on Rails Tutorial của Michael Hartl  cho đọc miễn phí toàn bộ sách, chỉ thu tiền khi xem video. Hay gameprogrammingpatterns cho đọc miễn phí toàn bộ sách luôn.

Còn rất nhiều ví dụ khác mình không thể kể hết. Nhưng bạn biết không, những khóa học, những quyển sách này đều đứng đầu bảng xếp hạng. Tại sao vậy, tại sao nó miễn phí hoàn toàn mà lại có nhiều người muốn mua?

Vì khi mua một thứ gì đó bạn cảm giác được sự sở hữu, được sự hỗ trợ. Đối với khóa học, sách thì còn có ý nghĩa hơn, bạn xem đó như là sự cam kết với bản thân để hoàn thành nó. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh điều này.

Mình biết có nhiều bạn tải ebook, khóa học đầy bộ nhớ nhưng có mấy khi xem hết.

Như vậy khóa học sắp tới sẽ có nội dung gì?

Mục tiêu của mình là đưa toàn bộ quan niệm của mình về một khóa học hay vào trong khóa học sắp tới. Vậy khóa học sắp tới sẽ như sau:

- Gồm C#, SQL, và phần thứ ba có thể là ASPNET hoặc Xamarin hoặc Winform. Mình thì ưu tiên Xamarin hơn vì cái đó mình không biết gì. Tự học và dạy lại sẽ hiệu quả nhất.

- 2/3 nội dung là C# và SQL được phát hành miễn phí. Chỉ thu phí phần sau.

- Hoàn tiền 100% nếu không hài lòng.

Mình là ai, ai đứng sau khóa học này?

  • Mình chỉ là thằng sinh viên năm hai thích ở nhà tự học, ít lên trường và bảng điểm khá thấp.
  • Mình không thích học thuật toán và yếu thuật toán.
  • Mình thích học cách sử dụng platform hơn là cách tạo ra chúng.
  • Mình thích đọc sách khởi nghiệp, kinh tế, self-help, marketing, tâm lý não bộ,vv
  • Mình thích tham gia các cuộc thi, kết quả thi cái nào rớt cái đó.
  • Phong cách trình bày của mình bị ảnh hưởng khá nhiều từ Ben Tristem, tức là chia nhỏ vấn đề lớn để dễ dàng trình bày hơn, mọi người có thể theo dõi tốt hơn. Với kiến thức mới, mình đọc sách, xem các khóa học, tài liệu liên quan, code thử rồi chỗ nào gặp khó khăn ghi lại xem nó là lỗi gì, tìm hiểu cách khách phục sau đó chia sẻ với mọi người qua video.
  • Mình chưa đi làm nên không bao giờ mình đảm bảo việc làm khi bạn học các khóa của mình được.    

Cảm ơn các bạn

Thực chất mình mới tập quay video từ tháng 8 năm ngoái, kinh nghiệm chưa nhiều. Nhưng từ khi có khóa C++ hướng đối tượng này, được sự khích lệ của các bạn mà mình đã hoàn thành nó. Mình đã quay hơn 1000 videos các thể loại, riêng khóa này C++ này thì hơn 300 videos.

Lúc mới đầu quay, mình thấy lỗi là lập tức dừng video, sửa lỗi rồi quay tiếp. Được một thời gian khi thấy lỗi thì mời người xem cùng sửa lỗi và cũng dừng video, sửa xong rồi quay tiếp. Còn bây giờ thì thấy lỗi là sửa trực tiếp không cần dừng nữa. Bạn thấy đó, nhờ các bạn mà khả năng trình bày của mình tăng lên rất nhiều. Mong rằng mình và các bạn sẽ học được nhiều điều với khóa C#, có lẽ là khóa cuối cùng mình quay bằng tiếng Việt. Mình đang tập quay bằng tiếng Anh, chắc phải quay cả ngàn video nữa mới tự tin chém gió như bây giờ.

Link khóa học:
https://www.udemy.com/khoa-hoc-lap-trinh-c-sharp-co-ban-den-nang-cao/?couponCode=FREEUDEMY

Hoặc sử dụng coupon FREEUDEMY

Xem thêm các topic khác của mình:

13 Likes

Tuyệt đó chứ! MÌnh ủng hộ :3

Cảm ơn nhé :slight_smile:

A post was split to a new topic: Muốn học lập trình web thì học C# có được không?

2 Likes
83% thành viên diễn đàn không hỏi bài tập, còn bạn thì sao?