Chiến lược gai mít và nỗi buồn của ngành IT Việt Nam

Hôm nay, ít người nhớ được rằng nước ta đã xuất xưởng chiếc máy vi tính đầu tiên của châu Á từ phòng thí nghiệm.

Khi tôi viết những dòng này thì Viện Tin học, tiền thân của Viện Công nghệ Thông tin, vừa tổ chức 40 năm thành lập. Năm 1977, tôi về công tác ở Viện - những nhà ngói cấp 4 ở làng Liễu Giai (Hà Nội), bên cạnh là khu tập thể “sáu anh em chia nhau một phòng”.
Thời ấy khổ, nhưng không ngăn được những nhiệt huyết khoa học. Nhờ anh Alain Teissonnière, chuyên gia công nghệ thông tin người Pháp, lãnh đạo Viện khi đó là giáo sư Phan Đình Diệu và nhóm kỹ sư trẻ, dự án xây dựng máy vi tính ra đời.

Những kỹ sư miệt mài với chip mới lạ, với những dòng phần mềm đầu tiên được viết để dạy máy vi tính. Thực tập bên Pháp, khi về, họ xách vali đầy chip cho máy tính, ổ đĩa mềm, đĩa cứng và cả mỏ hàn, dù hồi đó số tiền đủ mua một ngôi nhà ở Hà Nội.

Họ thức trắng đêm, quên ăn, quên ngủ, dù nhà rất nghèo. Đạp xe đến văn phòng, không may ngã, cặp lồng cơm đổ ra đường, chỉ thấy muối vừng, mấy cọng rau muống già và quả cà pháo. Các bà vợ đạp xe mang cơm cho chồng. Một chị than “mấy đêm rồi, anh Việt (Ngô Trung Việt) nhà em không về nhà”. Cô khác kêu “Anh Khôi (Phạm Ngọc Khôi) bỏ đi lên Viện cả tuần nay”.

Năm ấy, chiếc máy tính VT80 ra đời. Việt Nam trở thành nước thứ ba trên thế giới chế tạo thành công máy vi tính. Khi đó khu vực châu Á nói chung, trừ Nhật Bản, còn rất lạ lẫm với vi xử lý. Các đoàn từ Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Ấn Độ đến thăm Viện nườm nượp, một nơi mà dân làng vẫn dùng phân tươi, nước giải để tưới hoa và rau, đi vệ sinh phải đeo khẩu trang. Thế mà hôm nay, các quốc gia này đã bỏ Việt Nam một khoảng cách số theo đúng nghĩa đen và bóng.

Nếu hợp tác với nước ngoài, được đầu tư và sản xuất công nghiệp thì những máy vi tính đầu tiên có thể ra với thế giới mang dòng chữ “Made in Vietnam”. Nhưng, một số vị lãnh đạo ngành có ảnh hưởng tới đầu tư không nhìn ra điều đó. Nhập PC 2.000 $ mang về bán 4.000 $ tại thị trường Việt Nam dễ như đồ ăn nhanh bên phương Tây là cơ hội vàng kiếm tiền. Viện biến thành công ty buôn bán, các bộ, các ngành cũng thế. Giấc mơ vi tính Việt Nam ngừng ở đó, buôn bán PC thay cho tư duy dài hơi cho nền công nghệ non trẻ, thế mạnh IT đã bị bẻ gẫy.

Từng là người phụ trách IT của vùng Đông Á Thái Bình Dương của World Bank, tôi có dịp đi công tác nhiều châu lục. Mỗi khi có dịp dạo quanh phố phường, tôi để ý đến những sản phẩm Made in Vietnam. Nhiều nhất là giầy dép, quần áo, thực phẩm đông lạnh, hoa quả, và món phở nổi tiếng. Tuy nhiên, tịnh không thấy một sản phẩm IT mang nhãn Việt Nam. Vào BestBuy (cửa hàng điện tử) bên Mỹ cũng vậy, hoàn toàn vắng bóng.

Ngành IT đã có thể trở thành một ngành “mũi nhọn” và trên thực tế từng được xác định là một ngành “mũi nhọn” của nước ta. Nhưng trong một chiến lược phát triển kiểu quả mít, bây giờ mũi nhọn ấy đã cùn mòn nếu so với mặt bằng chung của thế giới.

Mũi nhọn kiểu quả mít, nghĩa là ngành nào cũng được xác định là “mũi nhọn”, dù gai quả mít chả đâm được ai. Mỗi khi bàn đến chiến lược phát triển kiểu quả mít này tôi lại nghĩ đến cái cách mà Việt Nam đã đầu tư cho ngành IT năm xưa, và tự hỏi rằng nếu như có ít “mũi nhọn” hơn, nếu như chúng ta (hay chính xác hơn là những vị mà chúng ta giao phó điều phối nguồn lực) tập trung hơn thì hôm nay Việt Nam đã có thể ở đâu trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới?

Hơn nửa thế kỷ trước có bài báo của giáo sư Tạ Quang Bửu nói về thế mạnh của học sinh Việt Nam là giỏi toán. Ông cho rằng, sĩ tử nhà nghèo chỉ có bút chì và giấy nháp sẽ giải được những bài toán thế kỷ mà không cần đầu tư nhiều tiền. Ông đã tiên đoán đúng, Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields, nhưng lại đơm hoa kết trái ở xứ người.

Truyền thống giỏi toán đó là cơ hội cho ngành IT với lớp trẻ yêu khoa học kỹ thuật, thích tìm tòi. Cha anh họ từng ăn cơm cặp lồng làm nên cái máy vi tính thời cấm vận, thì chẳng có lý do gì với nền công nghệ hiện đại như hiện nay, hạ tầng Internet thuộc vào tốt nhất trong vùng, thế hệ trẻ không có sản phẩm bên Mỹ.

Cơ hội vẫn còn. Theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2016, vào năm 2020 sẽ có 26 tỷ thiết bị nối Internet, 4 tỷ người dùng Internet. Máy vi tính đầu tiên tính từng byte thì từ năm nay lưu lượng đã tính bằng zettabyte - tỷ giga byte. Năm 2020 sẽ có 2,3 tỷ giga byte truyền toàn cầu.

Ngành IT chiếm 6% giá trị kinh tế toàn cầu và miếng bánh vẫn còn cho những quốc gia mới nổi và lực lượng lao động trẻ như Việt Nam. Vấn đề chỉ là chúng ta cư xử với “mũi nhọn” như thế nào, tập trung đầu tư hay san sẻ với hàng trăm “mũi nhọn” khác.

Gốc nông dân, lớn lên và trưởng thành như một công dân toàn cầu, tôi mê mẩn những gói thực phẩm làng quê Việt ở xứ người. Nhưng sẽ vui hơn nếu có gói IT Made in Vietnam có trên quầy hàng BestBuy ở thủ đô Hoa Kỳ.

Để làm được điều đó thì IT và nông nghiệp không thể là một trong hàng trăm cái gai mềm trên quả mít.
Nguồn: http://www.reds.vn/index.php/tri-thuc/khoa-giao/12143-chien-luoc-gai-mit

3 Likes

Kể ra tư duy của mình vẫn kiểu chộp giật của nhau qua ngày. Ngành nào cũng vậy không chỉ IT đều mức lèng phèng rồi tự sướng với nhau bằng kiểu bắt quàng làm họ.
Cũng buồn nhưng chả biết làm sao giờ.
Giờ muốn mua linh kiện thiết kế máy tính nhúng cũng không có mà mua. Nước ngoài nó ghét Việt Nam nên cấm luôn cả tài nguyên. Thành ra chỉ dừng ở ý tưởng rồi chờ chết.

2 Likes
83% thành viên diễn đàn không hỏi bài tập, còn bạn thì sao?