#2. HR: Hứa thật nhiều, Hứa lèo cũng thật nhiều!

Một trong những ức chế “kinh điển” của ứng viên là: “Phỏng vấn xong chờ hoài không thấy công ty trả lời đậu hay rớt”.

Thông thường thì sau khi phỏng vấn, các HR hay hẹn trong vòng 01 ~ 02 tuần sẽ thông báo kết quả, và gần như mặc định thì “không trả lời tức là rớt” (Cá biệt có nhà tuyển dụng liên lạc với ứng viên sau đó vài tháng để mời đi làm)

  • Ứng viên gửi email ứng tuyển, HR không phản hồi. Ức chế 01!
  • Ứng viên tham gia phỏng vấn xong, chờ hoài không thấy HR báo kết quả. Ức chế 02!
  • Ứng viên báo với công ty rằng không tham gia phỏng vấn được, HR im lặng. Ức chế 03!
  • Ứng viên qua hết các vòng phỏng vẩn, xong luôn với CEO, HR bảo để chuẩn bị “employment offer letter” và bặt tăm luôn từ đó, làm cho ứng viên thổn thức đợi chờ đến hết phần đời còn lại.

Thật ra đây chỉ là vấn đề “giao tiếp” chưa thật hiệu quả giữa phía công ty (HR là đại diện) và ứng viên mà thôi. Nguyên nhân thì có trời mới biết, nhưng mình có thể liệt kê ra 1 số nguyên nhân hay gặp phải:

– Đối với những công ty lớn, hoặc với những vị trí “thú vị” thu hút được lượng lớn ứng viên ứng tuyển trong thời gian ngắn, thì HR có thể bị “bội thực” và không thể phản hồi hết được cho từng email ứng viên.
Một số HR giải quyết bằng cách cài đặt “auto response” cho email, để cho robot phản hồi với ứng viên theo mẫu có sẵn, hoặc kèm theo câu “chỉ trả lời ứng viên đạt yêu cầu”.
Tất nhiên cũng không loại trừ khả năng HR do lười hoặc hơi bị chảnh, chỉ reply email khi có hứng.

– Nhiều công ty thì quy trình tuyển dụng dài ngoằn ngoèo, tới “n+1” người tham gia vào quy trình phỏng vấn.
Khi phỏng vấn xong ứng viên, vấn đề hay gặp nhất là HR chờ phản hồi của anh B phòng Marketing xong chờ tiếp quyết định của chị E phó tổng giám đốc, mà kẹt cái anh B đang chạy event gấp quá còn chị E đi công tác tuần sau mới về. Tất yếu là chờ lâu nên quên luôn.

HR nằm ở thế bị động 100% trong trường hợp này, chỉ có thể đặt reminder tuần/tháng cập nhật cho ứng viên biết là họ không có bị “lơ”, mà chỉ đang “chờ”. Nhưng update như vầy thì tốn thời gian hơn, nên HR thường chọn giải pháp tặng nguyên cục lơ cho ứng viên luôn cho khỏe.

– Một trong những nỗi đau khác của HR là, sếp bảo “em cứ để đó cho chị”, “để tuần sau anh giải quyết”.
Hai câu thần chú này mạnh khủng khiếp và không có cách hóa giải. Như trên, HR chỉ có thể đóng vai trò “bưu điện”, chuyển thông tin cho ứng viên rằng “chờ đi anh ấy ơi” thôi.

Và ác mộng hơn là thỏa thuận lương bổng các thứ xong, sếp bảo “cứ để đó”, “không gấp”, “từ từ tuyển”, etc. Anh chị em HR nào yếu tinh thần, thì sẽ chọn cách “lơ” ứng viên luôn, vì lúc phỏng vấn nghe lời sếp hứa hẹn đủ kiểu với người ta rồi, giờ nghỉ nữa chừng thì sao mà dám nói chuyện, nên thôi lặn luôn cho đẹp mặt.

– Công viêc của HR/Tuyển dụng sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều nếu công ty có hệ thống quản lý để hỗ trợ và quy trình tuyển dụng chuyên nghiệp, nhưng thực tế thấy được là các HR đều than sếp keo quá và không có budget tuyển dụng.

Tiền để đăng tuyển trên web việc làm còn không có, chứ nói chi đến đầu tư cho hệ thống quản lý. Hơn nữa, ở nhiều công ty, thì thời gian của HR cũng eo hẹp thật, HR vừa làm osin vừa làm kế toán, tuyển dụng chỉ là một task của họ thôi, nên việc ít đầu tư vào đó cũng là dễ hiểu.

Ngoài ra, cũng phải kể đến lý do “lười” của HR (Tin mình đi, mình từng làm HR mà)

Theo một thống kê tào lao của tổ chức không tên, thì đa số ứng viên cảm thấy mình không được tôn trọng bởi thiếu thông tin cập nhật từ HR. Vì vậy, chỉ cần update thông tin đầy đủ cho ứng viên thì là đã xây dựng “employer branding” thành công.

Về phần ứng viên, nếu công ty không trả lời như đã hứa, thì mình cứ mạnh dạng nhắc hay hỏi thăm. Thời đại bây giờ là “đi tìm việc” chứ đâu còn “đi xin việc” nữa đâu mà phải sợ.
Không được công ty này thì mình đi công ty khác, còn không được nữa thì ở nhà vợ nuôi. Vợ là số 1!

và công ty “lật kèo”, cơn ác mộng của ứng viên …

Công ty phỏng vấn, offer các kiểu xong xuôi, ứng viên báo nghỉ việc ở công ty hiện tại, xong công ty bên này bảo … họ tuyển người khác rồi, hay không có nhu cầu tuyển nữa, hay … check ref thấy có comment không tốt về em, nên thôi mình chia tay, … Nhiều ứng viên đã “dính chưởng” kiểu này, nhất là gần cuối năm thì càng đau. Tất nhiên họ có thể chon giải pháp là đợi ứng viên đi làm, thử việc được 1 tuần xong họ đuổi vì 2 bên không hợp nhau, lý do này sẽ tế nhị và đỡ sốc hơn.

Ngoài ra, công ty còn có chiêu “lật kèo” khác, không chỉ “thốn” cho ứng viên, mà cho cả headhunter (bản thân JobSeeker.vn đã phải trải nghiệm).
Ứng viên qua công ty mới làm, HR alo cho headhunter và … trả giá. Nếu không giảm giá dich vụ, thì tụi tui đuổi ứng viên, coi như ứng viên không đạt yêu cầu, và thế là khỏi trả tiền, còn ứng viên thì mất viêc luôn.
Thể loại lật kèo này quả thật không thể lường trước được vì mức độ kỳ lạ của nó, nhưng đáng buồn là nó có xảy ra.

Và trong hầu hết các trường hợp, ứng viên và headhunter thường phải ngậm kẹo cho ngọt, chứ không làm được gì hơn. Một cuộc chiến truyền thông thì chỉ có từ chết tới bị thương, không mang lại kết quả tốt đẹp gì.

(#3. Từ từ sẽ kể tiếp - http://jobseekers.vn/hr-hua-nhieu-hua-leo-cung-nhieu/)

5 Likes
83% thành viên diễn đàn không hỏi bài tập, còn bạn thì sao?