Phương pháp học ngoại ngữ khoa học

Bài này nói về cách học tiếng Đức nói riêng, nhưng phương pháp học ngoại ngữ nói chung thì rất khoa học.
Nguồn: Comment thứ #138 trích ở đây nha (trong spoiler ý).
Mình copy nguyên văn, nhưng có một số chỗ tác giả bài này viết bằng tiếng Đức nên mình dịch lại và format ở dạng chữ in nghiêng.


Vấn đề học tiếng:

Khi bạn làm quen với tiếng Đức, bạn có thể dễ dàng tìm thấy các phương pháp học rút gọn và các mẹo thi cử. Các phương pháp như vậy thường có ích khi bạn phải xử lý các tình huống không lường trước hoặc bị đẩy vào tình thế buộc phải đạt achievement trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, xét trong dài hạn, chúng thường không đem lại hiệu quả như ý muốn. Kiến thức giống như các vòng tròn đồng tâm. Một khi bạn nắm vững vòng trong, việc mở ra các vòng ngoài sẽ đỡ tốn thời gian và công sức hơn rất nhiều, so với việc bạn phải quay lại các vòng trong đó nữa rồi mới mở rộng.

Vậy nhưng, việc học một ngôn ngữ trong một thời gian rất ngắn (có thể chỉ vài tháng) là hoàn toàn khả thi. Học tức là nắm vững ngôn ngữ đó và sử dụng một cách linh hoạt, chứ không chỉ ở trong phạm vi các Sprachzertifikat (chứng chỉ ngôn ngữ). Chia sẻ dựa trên đúc kết của mình về phương pháp học các ngoại ngữ khác nhau.

1. Ngôn ngữ là (hoặc ít nhất, rất giống với) một phản xạ có điều kiện (classical conditioning):

Học ngoại ngữ có thể được coi là quá trình tạo ra phản xạ với ngôn ngữ đó. Khi bạn học “rút gọn”, bạn đối phó với các kỳ thi bằng cách “tạm ghi nhớ” các thông tin thay vì làm việc với chúng đủ lâu để bộ não hình thành liên kết. Mặt khác, nhiều bạn có xu hướng dừng thực hành ngoại ngữ sau khi thi xong - Điều này rất có hại bởi khi đã đánh mất phản xạ, bạn sẽ phải xây dựng lại nó từ đầu để hướng tới các achievement có độ khó cao hơn. Hệ quả là, việc học của bạn càng về sau càng nặng nề.

Để xây dựng phản xạ, bạn cần thực hành liên tục. Một người lười biếng nhưng thông minh vẫn có thể học rất giỏi các môn học khác, nhưng chắc chắn không thể là một người học ngoại ngữ giỏi. Tương tự với những người nhát và ngại giao tiếp. Thực hành liên tục và không ngừng nghỉ, đó là mấu chốt để học giỏi bất cứ ngoại ngữ nào. Kể cả khi bạn đã ở trình độ có thể sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, bạn vẫn phải duy trì việc thực hành với tần suất cao nếu không muốn phản xạ đó bị mất.

2. Làm như thế nào để hiệu quả:

Chọn phương pháp thực hành là quan trọng. Việc đọc chẳng hạn. Bạn sẽ không muốn đọc các sách vở quá cao siêu phức tạp -lý do là, bạn không có nhiều thời gian, và bên cạnh đó, trong các cuồn sách có rất nhiều từ ngữ và cấu trúc bạn gần như không phải sử dụng đến trong đời thường. Khi bạn bắt đầu học tiếng, bạn sẽ muốn đọc các tin tức trên nhật báo. Chúng chứa nhiều từ ngữ về các thông tin đang xảy ra hàng ngày quanh bạn, và được diễn đạt theo cách để bất cứ người dân cũng có thể hiểu.

Tương tự như vậy, bạn sẽ không muốn nạp vào đầu mình tất cả những gì liên quan đến tiếng Đức. Dù về lý thuyết, cách học như vậy vẫn có thể tạo được phản xạ, tuy nhiên chúng không phải những cái bạn cần và hay sử dụng. Chẳng hạn, ở đây là một list các từ ngữ hay được sử dụng theo thống kê ở trong các ngôn ngữ khác nhau: https://en.wiktionary.org/wiki/Wiktionary:Frequency_lists

a. Đọc gì?

Như mình đã nói, bạn nên đọc trong các nhật báo hoặc các website đại chúng. Tiểu thuyết không phải một lựa chọn hay - chúng ngốn thời gian và chứa nhiều thông tin không thực sự cần thiết. Truyện tranh là một giải pháp tệ hơn nữa, đơn giản vì một cuốn truyện tranh thường chú ý vào hình họa hơn là diễn đạt bằng ngôn ngữ, và chúng cũng ngốn thời gian không kém. Tương tự là các bộ phim với phụ đề.

Các tạp chí, các poster quảng cáo và các thông báo cũng là một lựa chọn hay, vì lý do tương tự như báo chí.

Các diễn đàn cũng là một lựa chọn hay, vì bạn có thể kết hợp đọc hiểu-tương tác với người dùng, và rèn luyện kỹ năng viết và tìm bạn.

Bạn có thể bị ngợp khi bắt đầu đọc các tài liệu kể trên, nhưng đừng lo, vì công việc này sẽ dễ dần đều. Lý do rất đơn giản: vốn từ trong tiếng Đức không phải là vô tận, và vốn từ được sử dụng thường xuyên còn ít hơn nữa. Khi bạn đã nắm được một lượng từ vựng nhất định, bạn sẽ thấy việc tiếp tục đọc và mở rộng chúng vô cùng dễ dàng.

Nếu bạn gặp khó khăn với các bài nhật báo (vì mới học chưa lâu chẳng hạn), bạn có thể tìm các bài text với simple German. Có rất nhiều trang như vậy trên mạng, ví dụ trang này: http://www.nachrichtenleicht.de/

Ở mức cao hơn, việc đọc của bạn nên giới hạn vào một số phạm vi nhất định. Nếu bạn học kinh tế, bạn hãy tập trung vào các ấn bản báo chí trong lĩnh vực kinh tế. Đây là một list tổng hợp các tờ báo tại Đức: http://www.onlinenewspapers.com/germany.htm (nếu học tiếng anh, bạn có thể chọn khu vực anh/mỹ)

và đây là list tổng hợp các trang web tiếng Đức trên nhiều lĩnh vực: http://www.kadaza.de/ (bản tiếng anh https://www.kadaza.com/)

b. Viết gì:

Viết và đọc có quan hệ chặt chẽ, và bổ sung cho nhau. Bạn cần đọc để nắm vốn từ, các cấu trúc và cách diễn đạt. Bạn cần viết để học cách sử dụng chúng linh hoạt và biến chúng thành của bạn. Bạn đọc càng nhiều thì kỹ năng viết của bạn càng được cải thiện – và ngược lại.

Bạn nên thực hành viết ở những môi trường có thể tương tác, như các diễn đàn, các group facebook. Tất nhiên, bạn sẽ không muốn viết quá phức tạp khó hiểu, nhưng bạn cũng không nên viết quá nôm na đơn giản “rằng thì là mà”.

Khi mới tập viết, bạn nên viết về tất cả những gì xung quanh bạn. Hôm nay tôi đã làm gì, tôi thấy gì, tôi nghĩ gì. Đó là những từ ngữ, cấu trúc về hoạt động thường nhật bạn sẽ phải sử dụng rất nhiều sau này. Hơn nữa, thói quen này sẽ giúp bạn phải thường xuyên update vốn tiếng để có thể diễn đạt được các sự kiện mình gặp phải. Ban sẽ không tự giới hạn bản thân trong một vài chủ đề cố định và dễ đoán như Email.

Bạn nên viết theo hai nguyên tắc “Càng đầy đủ càng tốt” và “Càng ngắn gọn càng tốt”. Càng đầy đủ càng tốt có nghĩa là bạn phải diễn đạt được toàn bộ suy nghĩ của mình, không cắt xén bớt. Càng ngắn gọn càng tốt nghĩa là, nếu có cách diễn đạt ngắn và một cách diễn đạt dài thì bạn nên chọn các diễn đạt ngắn (thường đòi hỏi lượng từ vựng nhiều hơn, cấu trúc nâng cao hơn). Thiết thực hơn, thói quen này giúp bạn rất nhiều khi làm Klausur (bài thi) ở trường dự bị và trường đại học. Bạn sẽ không có thời gian để trả lời tràng giang đại hải trong các Klausur.

Một trang web có thể giúp bạn: http://lang-8.com/

Sau khi đăng ký thành viên, bạn viết những gì bạn muốn lên trang mạng xã hội này bằng Tiếng Đức và các thành viên có tiếng Đức là native language sẽ edit cho bạn và giúp bạn bổ sung. Bạn cũng làm như vậy với những thành viên học Tiếng Việt để tích điểm.

c. Nghe và nói:

Nghe và nói là hai kỹ năng tương đối phức tạp. Không phải do bạn không thể rèn luyện, mà do đây là hai kỹ năng mềm, bạn khó tìm được đối tượng tham chiếu như đọc và viết. Mặt khác, hai kỹ năng này lại có phần dễ hơn đọc và viết, do vốn từ dùng trong văn nói hẹp hơn dùng trong văn viết rất nhiều.

Bạn cần định lượng được vốn từ của mình để biết nên tập nghe từ đâu. Bạn sẽ không muốn nghe các bài text quá khó, quá dài, quá phức tạp khi bạn vừa mới học chưa lâu chẳng hạn – điều này mất thời gian và không giúp gì cho bạn hết ( https://bliubliu.com/en/ là một trang web khá hay, nó sẽ test trình độ của bạn trước khi chung cấp cho bạn các bài text phù hợp).

Tương tự với đọc, bạn nên luyện nghe qua các chương trình tin tức, thời sự. Nhưng khác với đọc, xem phim lại là một cách hay để học nghe. Ngôn ngữ trong phim thường là ngôn ngữ đời thường - Bạn sẽ phải sử dụng vốn từ - kết hợp với cả bố cục tình huống và quan sát nhân vật để nắm bắt kịp điều họ nói. Điều này rất sát với ngoài đời.

Nói là kỹ năng khó luyện nhất nếu bạn vẫn ở trong nước. Không dễ để bạn tìm được một đối tác bản xứ nhằm thực hành và giúp chỉnh sửa cho mình các phát âm sai. Lý do thứ hai, kỹ năng nói còn phụ thuộc vào cả sự “mồm mép” của bạn (không ít người gặp khó khăn khi diễn đạt cả bằng Tiếng Việt hoặc mắc các tật như nói nhanh, nói lắp, không dễ sửa).

Một số trang web như http://vi.forvo.com/ sẽ hướng dẫn bạn phát âm. Nếu bạn chưa có đối tác, hãy cố phát âm thật chuẩn như những gì bạn nghe được. Hãy tự nghĩ ra một chủ đề gì đó rồi diễn đạt những gì bạn nghĩ sao cho thật trôi chảy, chậm rãi, rõ ràng. Tưởng tượng bạn đang thuyết trình cho rất nhiều người khác nghe. Đây cũng là một cách rèn luyện để tập cho mình có phản xạ từ ngữ, dù không phải giao tiếp tương tác.

Nếu bạn đã có bạn là người nước ngoài (thông qua facebook, các diễn đàn, các mạng xã hội khác), hoặc bạn đang ở Đức, thì đơn giản là hãy kiếm một ai đó để nói chuyện và nhờ họ chỉ cho bạn.

11 Likes

Nice resource and explanation Ginny! :+1: Keep it up!

4 Likes

Thanks Lib nha <3 <3

4 Likes
83% thành viên diễn đàn không hỏi bài tập, còn bạn thì sao?