Rào đón: bài này bạn chỉ nên đọc khi bạn đã biết hoặc đã đọc 2 truyện:
- Đẽo cày giữa đường;
- Tại đây có bán cá tươi
Rào lần 2: bài này mang tính “đá đểu” những người không có chính kiến hoặc không biết mình muốn gì nhưng thích hỏi linh tinh.
Rào lần 3: kinh nghiệm được hiểu là gì? Thực ra nó là cách chơi chữ của “chưa thành công”, “sai lầm”, “thất bại”. Học hỏi kinh nghiệm là cụm từ không có thật, bởi vì thành công thì có một, nhưng kinh nghiệm thì có nhiều, và như một bậc cao tăng đáp học trò khi học trò (cũng đã tu tập nhiều năm) hỏi: Bạch sư phụ, thầy đã tu đến mức giác ngộ, xin thầy nói cho con biết sau cái chết là gì? Cao tăng đáp: ai chết, nấy biết. Như vậy, quan điểm của mình là bản thân mình thì mình đi và mình vấp ngã và tự có kinh nghiệm, có thể đọc/ xem/ nghe kể về kinh nghiệm người khác nhưng người khác không thể truyền/ dạy kinh nghiệm cho bạn, nói cách khác: không có kinh nghiệm nếu bạn không bắt tay vào làm mà chỉ đi “rút kinh nghiệm” trên giấy / trong suy nghĩ. Kinh nghiệm là không thể kế thừa.
Cuối cùng, bạn sẽ đặt câu hỏi “Cái bài chó chết này có cái đếch gì mà để trong mục fun?”. OK, chả có cái gì hết, mình chỉ muốn qua bài này nhắn gửi với các bạn là cứ hay lên đây xin tư vấn là nên học ngôn ngữ lập trình nào, hoặc nên học ngành nào,… mà không hề có một quyết định nào cho bản thân. Rồi mọi người ở đây góp ý một lát, cuối cùng thì người hỏi sẽ giống như bác nông dân trong truyện “đẽo cày giữa đường”.
Sẽ có bạn lý luận, không biết thì hỏi chứ sao lại bị mắng? Đúng, hỏi thì hỏi nhưng phải có những tìm hiểu bước đầu và trình bày qua là mình đang như thế nào, có chút kiến thức gì chưa, dự định ra sao,… ở mức khá rõ ràng, hẹp thì người trả lời mới có thể góp ý/ tư vấn được. Hỏi một câu hỏi quá chung chung và rộng bành ky nái sẽ chỉ làm rác diễn đàn, gây tranh cãi mà không đi đến được quyết định gì.
Vậy, tốt hơn hết là cứ tìm hiểu cho kỹ: mình là ai, mình muốn gì, thích cái gì, sau đó tìm đọc các bài viết/ cuốn sách có chất lượng một tí để có hình dung được con đường mình sẽ đi. Sau đó, bước chân vào đi được một đoạn cái đã rồi mới nên lên mạng hỏi, còn không thì sẽ thành ông chủ tiệm cá trong truyện “ở đây có bán cá tươi”.
Mình cũng kể câu chuyện của mình: ngày xưa mình học chuyên văn phổ thông, lên đại học cũng học văn chương nốt. Đến với lập trình chẳng qua là đi ăn thịt chó vào nhầm nhà sách cũ (chỗ Thị Nghè). Ở đó sách tin học rẻ nhất trong các loại sách, phù hợp với túi tiền. Bạn bè thuê nhà chung thách thức là dân xã hội thì biết đếch gì về máy tính. Mình tự học lập trình với sách cũ mua ở tiệm sách vừa kể. Lúc đó không có Internet nên mình đọc sách là chính, và ngôn ngữ lập trình đầu tiên mình biết là FoxPro (thực ra nó không phải ngôn ngữ lập trình).
Mình mém chút trở thành bác nông dân trong truyện “đẽo cày giữa đường” khi thằng nào (bạn thuê chung nhà trọ/ xóm trọ) cũng ca ngợi ngôn ngữ lập trình mà thằng đó biết. Nào là “Với C một đoạn code có thể làm nổ tung bàn phím”, nào là “Visual Basic có thể làm một phần mềm ứng dụng có đồ hoạ dùng chuột dễ dàng sau 3 buổi học”, nào là “Java là một ngôn ngữ rất mới, rất hiện đại, đang là ngôn ngữ hot nhất, lập trình viên Java có lương cao nhất”… blah blah blah. Cũng may là mình mua được cuốn sách mang tên “Virus tin học huyền thoại hay thực tế” - Ngô Anh Vũ, mình học Assembly - nằm ngoài lời khuyên của đám lâu la bạn bè.
Kết luận: ai thích gì làm nấy, bịt tai lại mà làm thay vì đi hỏi lung tung, có rất nhiều người thích làm thầy thiên hạ nhưng họ không phải nhà sư phạm có khả năng mô phạm, họ sẽ biến bạn thành một chuyên gia đẽo cày.
Nói theo kiểu triết gia “giải pháp tốt nhất là tìm ra giải pháp”. Nào, tìm ra giải pháp trước đã các bạn muốn học lập trình.